Quảng Trị hiện có hơn 3.000 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường rừng, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao Quảng Trị.
Nguồn sinh kế mới
Hướng Việt là một trong số địa phương có diện tích rừng trẩu nhiều nhất ở huyện Hướng Hóa. Đối với đồng bào nơi đây, trẩu là loại cây quen thuộc không chỉ mọc tự nhiên trong rừng, mà còn được trồng trên nương rẫy làm cây chắn gió hoặc làm hàng rào bảo vệ đất nương rẫy.
Anh Hồ Văn Chữ, trú ở thôn Trăng-Tà Puồng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng vài chục cây trẩu làm hàng rào để bảo vệ nương rẫy. Nhận thấy cây trẩu đem lại thu nhập ổn định, khoảng 4 năm nay, gia đình tôi đã trồng thêm hơn 2.000 cây trẩu, mùa đầu thu hoạch được hơn 1 tấn quả tươi, bán giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, thu về trên 8 triệu đồng. Gia đình rất vui và dự định tiếp tục trồng thêm”.
Ông Hồ Văn Dần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Việt cho hay: từ năm 2019, được sự hỗ trợ kết nối của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và có doanh nghiệp đồng ý thu mua quả trẩu tươi ngay tại địa bàn xã nên người dân phấn khởi đầu tư công sức, mở rộng diện tích trồng trẩu. Năm 2022, dự án MCNV tiếp tục hỗ trợ cây giống cho người dân ở xã Hướng Việt, mỗi hộ 5 sào trẩu, mỗi sào hỗ trợ 2,5 triệu đồng. Đến nay, gần 100% hộ dân ở Hướng Việt tham gia trồng trẩu, với tổng diện tích hơn 70 ha, tập trung nhiều ở thôn Trăng - Tà Puồng và thôn Xa Đưng.
Cây trẩu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở đây. Từ hiệu quả này, người dân đã tận dụng gần hết các diện tích đất trước đây bỏ hoang do khô cằn không thể canh tác các loại cây trồng khác, đất triền đồi, dốc, đất ven nương rẫy để trồng trẩu.
Tại xã Hướng Phùng, từ năm 2019 đến nay, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã hỗ trợ người dân trồng ở đây trồng hơn 180 ha trẩu, tạo sinh kế và tăng nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình. Ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng bày tỏ: qua khảo sát, hiện xã Hướng Phùng còn rất nhiều diện tích có thể chuyển sang trồng trẩu lấy dầu, đặc biệt là diện tích ở trên đồi cao, không phù hợp với các loại cây trồng truyền thống như cà phê, sắn. Nếu chuyển đổi được diện tích này sang trồng trẩu lấy dầu thì có lợi đôi đường. Khi cây trẩu cho thu hoạch sẽ tạo được thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giảm thiểu tác động vào các khu vực rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Ông Hồ Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết: trên địa bàn huyện hiện có hơn 3.000 ha cây trẩu, tập trung nhiều ở các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt... Việc phát triển cây trẩu trên địa bàn huyện đang mang lại lợi ích kép, vừa trồng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vừa tạo sinh kế, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Thông qua các dự án, chương trình phát triển rừng, hàng năm người dân được hỗ trợ giống, công trồng để trồng mới khoảng 50 ha cây trẩu (mỗi ha được hỗ trợ khoảng 12 triệu đồng).
Ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân từ cách trồng, chăm sóc, hái lượm và bảo quản hạt trẩu đạt chất lượng. Hiện huyện Hướng Hóa đang xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu trẩu tại địa phương nhằm tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Theo ông Trung, rừng trẩu trồng thâm canh với mật độ 500 cây/ha là hợp lý nhất. Sau 3 năm trồng, trẩu ra quả bói, bình quân có thể đạt 5 tấn hạt/ha và đem về nguồn thu khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha/năm. Do đó, ngoài chức năng phòng hộ, cây trẩu hoàn toàn có thể giúp người dân vùng cao xóa đói giảm nghèo nếu được đầu tư đúng mức.
Phát triển vùng trẩu nguyên liệu
Theo thống kê, hiện hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có hơn 3.000 ha rừng trẩu; trong đó, có đến 98% diện tích đã cho thu hoạch. Tổng sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm và phần lớn hạt trẩu được xuất đi thị trường Trung Quốc làm nguyên liệu ép lấy dầu, phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, công nghiệp dược phẩm...
Ông Bùi Văn Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá- Đakrông, cho biết hiện Ban Quản lý có trên 2.500 ha rừng có trồng trẩu; trong đó có khoảng 2.000 ha đã cho thu hoạch quả. Người dân địa phương được giao khoán bảo vệ và hưởng lợi thu hoạch quả toàn bộ diện tích trẩu này nhằm tạo sinh kế, tăng nguồn thu nhập và giảm nguy cơ xâm lấn rừng.
Nhằm phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí đầu tư hơn 16,2 tỷ đồng. Mục tiêu phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu trẩu.
Trong giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh sẽ bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng diện tích rừng trẩu hiện có, phấn đấu năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên; giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên. Đồng thời, trồng mới bình quân khoảng 500 ha/năm. Từ đó, hình thành vùng trẩu nguyên liệu tập trung khoảng 5.000 ha, hằng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu.
Đến năm 2030 sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.320 ha, hằng năm cung cấp 4.000 tấn hạt trẩu chất lượng cao, phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Quảng Trị đặt mục tiêu tối thiểu có 2.000 hộ gia đình tham gia trồng và phát triển trẩu. Đồng thời, hỗ trợ hình thành hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm trẩu theo chuỗi liên kết.
Tỉnh mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất từ 500 - 1.000 tấn hạt/năm để tạo bước đột phá về đa dạng hóa các sản phẩm từ cây trẩu, có thương hiệu, uy tín, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Việc Quảng Trị quan tâm đầu tư phát triển trồng trẩu lấy dầu sẽ giúp người dân vùng cao có thêm việc làm, tăng thu nhập; góp phần nâng cao độ che phủ rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo khu vực miền núi.
Nguyên Linh