Siết chặt quản lý và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến giao các đơn vị, địa phương theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

vna_potal_kon_tum_tieu_huy_cay_giong_sam_gia_ngoc_linh_7446026.jpg
Tiêu hủy 148 cây sâm giống giả Ngọc Linh. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Cùng đó, định kỳ 6 tháng và hàng năm tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về quyền sở hữu công nghiệp, quá trình sản xuất và giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Các đơn vị, địa phương tập trung giới thiệu sản phẩm đã được chứng nhận, hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn sản phẩm chính hiệu, góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật việc vi phạm sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ và không gắn tem chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh trên sản phẩm theo quy định. Cùng đó, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá dịch vụ phân tích ADN xác định sâm Ngọc Linh và kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh. Mặt khác, chủ trì, phối hợp tham mưu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về sâm Ngọc Linh; trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu gen phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai việc quản lý nhà nước về nguồn gốc giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum để phát triển thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia. Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum” tại các địa phương trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị công an tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi mua bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận thông tin vi phạm, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông giám sát hoạt động mua bán sâm trên không gian mạng theo quy định.

vna_potal_khen_thuong_dot_xuat_ca_nhan_tap_the_triet_pha_vu_an_trom_cap_sam_ngoc_linh_7670832.jpg
Ngày 25/10/2024, Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông và Công an tỉnh Kon Tum tổ chức khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân là lực lượng Công an huyện Tu Mơ Rông đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm trộm cắp sâm Ngọc Linh. Ảnh: TTXVN phát

Với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần thực hiện nghiêm việc gắn tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh’ cho sản phẩm sâm củ và nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum” lên sản phẩm chế biến từ sâm củ Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum khi trưng bày sản phẩm và lưu thông, mua, bán trên thị trường.

Tỉnh Kon Tum đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Hiện tại, toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 2.500 ha sâm Ngọc Linh. Trong 4 năm qua, bình quân mỗi năm Kon Tum trồng thêm 500 ha sâm Ngọc Linh. Người dân đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei đã biết vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh với mong muốn sớm thoát nghèo, làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương.

vna_potal_kon_tum_nguoi_xo_dang_o_huyen_tu_mo_rong_vay_von_trong_sam_ngoc_linh_7159294.jpg
Anh A Linh (trái), người dân tộc Xơ Đăng ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, trồng sâm Ngọc Linh từ nguồn vốn vay ở Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm