Nhà vườn chăm sóc bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN |
Hơn 7.000 m2 đất trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Hồng Vân, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm bị thiệt hại nặng nề do sâu đục trái tấn công. Hai tháng nay, ông Vân thất thu hơn 2 tấn bưởi gia xanh vì bị sâu đục trái gây hại, ước tính thất thu hơn 120 triệu đồng. Ông Vân cho biết, vườn bưởi nhà ông xử lý cho trái bán vào dịp Tết Nguyên đán 2019 nhưng bị sâu đục làm hư hại hơn 60%. Mỗi ngày, ông phải đi thu gom những quả bưởi rụng, dùng dao cắt nhỏ để diệt sâu nhằm tránh lây lan sang cây khác. Ông Vân chia sẻ, trước đây ông áp dụng cách xịt nước rửa quả trên cây và bắt bướm vào ban đêm để phòng ngừa sâu hại rất hiệu quả. Nhưng năm nay, cách này không còn hiệu quả. Nếu sâu hại kéo dài, buộc ông phải chuyển sang dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Thế nhưng, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, lại thêm nỗi lo mới. Theo anh Nguyễn Hoàng Nam, xã Bình Hòa, loài sâu đục trái bưởi xuất hiện gần chục năm qua nhưng năm nay xuất hiện với mật độ rất nhiều, có khả năng phát triển thành dịch. Nhiều nông dân chủ quan, không thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu hại và phòng ngừa kịp thời thì sẽ bị thiệt hại lớn. Nhiều vườn bưởi sắp thu hoạch bị sâu đục hỏng, giảm chất lượng, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn. Anh Nam cho hay, những năm trước, sâu chỉ gây hại trên cây bưởi nhưng năm nay sâu đục trái gây hại trên cả các loại cây có múi khác như cam, quýt, chanh,… Ông Bùi Văn Điệt, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm chia sẻ, ngay từ vườn bưởi mới bắt đầu cho trái, ông chuẩn bị hàng trăm túi bao bọc để hạn chế sâu hại nên tỷ lệ sâu hại chỉ còn 5%. Trước đây, người dân thường bao trái đã lớn, khi đó, sâu đã gây hại cho trái. Cách phòng trừ tốt nhất là bao trái từ lúc quả còn nhỏ và chọn loại bao viền bọc xung quanh để trứng sâu non không tiếp xúc với trái, từ đó hạn chế sâu hại. Trước tình hình này, ngành chức năng Bến Tre đã tập huấn cho nhiều nhà vườn trồng bưởi, các hợp tác xã, tổ hợp tác áp dụng biện pháp phòng ngừa sâu hại như: phun thuốc diệt bướm, diệt sâu đồng loạt trên các vườn bưởi khi thấy sâu xuất hiện… Bên cạnh đó, tỉnh khuyến cáo nhà vườn áp dụng biện pháp sinh học phòng ngừa sâu hại như: bao trái, tưới nước trái hàng ngày để làm trứng sâu không nở được, dùng vợt bắt bướm vào ban đêm, phát hoang bụi rậm quanh vườn không có nơi cho bướm trú ẩn… Bến Tre hiện khoảng 8.700 ha trồng bưởi da xanh; trong đó có hơn 5.600 ha đang cho quả. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, hiện diện tích bưởi da xanh bị sâu đục trái gây hại khoảng 69 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách... Huyện Giồng Trôm đang bị thiệt hại nặng nhất với hơn 35 ha và tỷ lệ quả bị thiệt hại ở vườn bưởi nhiễm sâu đục từ 5% đến 10%, cá biệt có vườn lên đến 50%. Ngành chức năng tỉnh đang cùng người dân tiến hành các biện pháp đồng bộ, kịp thời để phòng trừ sâu hại trên trái bưởi nhằm ngăn chăn khả năng phát triển thành dịch trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho nhà vườn. Đồng thời, khuyến cáo người dân, áp dụng các biện pháp sinh học phòng trừ sâu hại trên bưởi, thực hiện giải pháp phun thuốc diện bướm, sâu nên chọn các loại thuốc thuộc nhóm sinh học nhằm không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre.
Huỳnh Phúc Hậu