Sáng 29/7, nước ta có thêm 2.821 ca mắc COVID-19

Sáng 29/7, nước ta có thêm 2.821 ca mắc COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 19 giờ ngày 28/7 đến 6 giờ ngày 29/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.821 ca mắc mới trong nước. Trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (1.715 ca), Bình Dương (406 ca), Long An (179 ca), Đồng Nai (159 ca), Tây Ninh (139 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (52 ca), Đắk Lắk (37 ca), Vĩnh Long (31 ca), Khánh Hòa (18 ca), Kiên Giang (18 ca), Phú Yên (15 ca), Đồng Tháp (15) ca, An Giang (10 ca), Hậu Giang (8 ca), Cần Thơ (6 ca), Nghệ An (4 ca), Bình Định (3 ca), Bạc Liêu và Đắk Nông (mỗi nơi 2 ca), Lạng Sơn và Hà Nội (cùng ghi nhận 1 ca), có 587 ca trong cộng đồng.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 119.863 ca trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Nam Định.

Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.

Đến nay đã có 27.457 người bệnh COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 211 ca và có 17 trường hợp nguy kịch đang điều trị ECMO.

Số lượng xét nghiệm thực hiện từ ngày 27/4 đến nay là 5.598.823 mẫu cho 16.212.643 lượt người.

Trong ngày 28/7 có 307.273 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai đã lây lan thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn. Nguồn lây nhiễm chủ yếu là trong tỉnh sau khi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên của đợt 4 liên quan đến những người về từ các ổ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương (đa số liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức). Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Do lây nhiễm chủ yếu thông qua các chợ, nên tình hình dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát…

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn; phải bảo vệ bằng được “vùng xanh”, khoanh chặt điểm dịch; tăng cường 4 tại chỗ, phải xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên để bóc tách người nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng; nhanh chóng hoàn thiện sớm 100 giường ICU; tiếp tục mở rộng khu điều trị người nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Thành phố Hồ Chí Minh thành lập thêm 4 Bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, với tổng số 10.400 giường. Đến nay, toàn Thành phố hiện có 38 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất khoảng 55.000 giường bệnh được chia thành 5 tầng tháp với vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Ngày 28/7, Bệnh viện Dã chiến số 16 của Thành phố chính thức đi vào hoạt động với quy mô gần 3.000 giường sau 20 ngày xây dựng. Trong ngày đầu tiên, Bệnh viện có gần 700 giường, hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường, số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8/2021.

Ngày 28/7, lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính từ ngày 27/6 đến nay, Bệnh viện có tổng 9500 ca nhập viện, chuyển viện 369 ca và đặc biệt đã có 5.000 trường hợp được xuất viện. Bệnh viện có quy mô 4.500 giường đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thành lập thêm 9 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng cộng 1.790 giường bệnh.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm