Sáng 20/6, Việt Nam ghi nhận 78 ca mắc COVID-19

Sáng 20/6, Việt Nam ghi nhận 78 ca mắc COVID-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 19 giờ 30 giờ ngày 19/6 đến 6 giờ ngày 20/6, Việt Nam có thêm 78 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang; 76 ca ghi nhận trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh (46 ca), Bắc Giang (20 ca), Bắc Ninh (7 ca), Nghệ An (3 ca).

Sáng 20/6, Việt Nam ghi nhận 78 ca mắc COVID-19 ảnh 1Mỗi gia đình sẽ bắt buộc lấy mẫu test nhanh 01 người ở thành phố Vinh (Nghệ An) để sàng lọc phân loại. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Trong số này có 71 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Cụ thể:

2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh là:

Các ca bệnh 12915, 12916 từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang ngày 19/6 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh An Giang. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 19/6, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang.

76 ca ghi nhận trong nước gồm có:

Các ca bệnh từ 12901-12903 ghi nhận tại tỉnh Nghệ An trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Các ca bệnh từ 12904-12910 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh. Trong đó 5 ca là các trường hợp F1, 1 ca liên quan đến ổ dịch Vân Dương, 1 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc. Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Các ca bệnh từ 12911-12914, 12917-12932 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Các ca bệnh từ 12933-12978 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, 41 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 5 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy tính đến 6 giờ ngày 20/6, Việt Nam có 12.978 ca mắc COVID-19, trong đó 11.289 ca ghi nhận trong nước; 1.689 ca nhập cảnh.

Số mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.719 ca, trong đó có 2.280 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

22 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình, Vĩnh Phúc đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Từ 29/4 đến nay đã có hơn 2,4 triệu mẫu xét nghiệm được thực hiện cho hơn 5,4 triệu lượt người.

Theo Cục khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến sáng 20/6, Việt Nam đã có 5.054/12.978 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; 64 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 395 bệnh nhân có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần một; 127 bệnh nhân âm tính lần hai; 131 bệnh nhân âm tính lần ba.

Cả nước hiện có 172.990 người đang được theo dõi sức khỏe (cách ly); trong đó, 1.941 người cách ly tập trung tại Bệnh viện; 39.217 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 131.832 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Liên quan đến thông tin tiêm chủng, trong ngày 19/6 đã có thêm 122.056 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại 51 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tính đến 16 giờ ngày 19/6, đã có gần 2,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được thực hiện. Trong đó, 115.315 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân không chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch; tuyệt đối tuân thủ "Khuyến cáo 5K + Vaccine"; liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

* Thông tin về quá trình phát triển vaccine phòng COVID-19 Sinopharm, Bộ Y tế cho biết: Sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2020, tháng 2/2020 Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG đã tiến hành nghiên cứu vaccine COVID-19 bằng công nghệ bất hoạt.

Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020 vaccine này đã được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn tiến hành thử nghiệm trên người.

Ngày 23/6/2020, vaccine bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.

Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vaccine COVID-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.

Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vaccine này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.

Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.

Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%, trở thành vaccine thử 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.

Ngày 31/5/2021, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng.

Ngày 3/6/2021, vaccine Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.

Tới nay, Sinopharm đã sản xuất hơn 450 triệu liều vaccine, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp. Vaccine Sinopharm đã cung cấp tới hơn 70 quốc gia. Hiện tại đã có hơn 100 quốc gia có nhu cầu đặt mua vaccine của Sinopharm.

Vaccine Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C, thời hạn sử dụng là 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho của vaccine này.

Sinopharm là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất tại Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, Sinopharm đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vaccine COVID-19, mục tiêu trở thành nhà cung cấp vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới, để vaccine này được phổ cập rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.

Sinopharm tên đầy đủ là Tập đoàn Y Dược Trung Quốc, là doanh nghiệp trung ương và là tập đoàn lớn nhất tại Trung Quốc trong ngành dược phẩm, y tế, sức khỏe, với chuỗi các ngành công nghiệp hoàn chỉnh và có quy mô lớn nhất tại Trung Quốc.

Tập đoàn có hơn 1.500 công ty con và hơn 200.000 nhân viên với các nghiệp vụ rộng khắp trên toàn thế giới. Doanh số bán hàng năm 2020 đạt hơn 70 tỷ đô la Mỹ. Được xếp hạng thứ 145 trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, Sinopharm đã thành lập văn phòng đại diện vào năm 1993, xây dựng doanh nghiệp sản xuất liên doanh vào năm 2003.

Nghiệp vụ của Sinopharm bao gồm sản xuất thuốc tân dược, thuốc đông dược, vaccine và sinh phẩm, phân phối dược phẩm, chuỗi nhà thuốc, thiết bị y tế, triển lãm y tế và hoạt động đầu tư và thương mại ở nước ngoài. Trong đó, các lĩnh vực như vaccine, thuốc đông dược, phân phối dược phẩm, chuỗi cửa hàng thuốc được xếp hạng đầu tại Trung Quốc.

Sinopharm CNBG thuộc Sinopharm có lịch sử lâu năm, sở hữu 6 doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất vaccine, 1 doanh nghiệp chế phẩm máu.

Hiện nay Sinopharm CNBG có thể cung cấp hơn 50 loại vaccine và 11 loại chế phẩm máu, chiếm 85% số lượng cung ứng vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại Trung Quốc, là doanh nghiệp sản xuất vaccine và chế phẩm máu lớn nhất Trung Quốc, cũng là doanh nghiệp sản xuất nhiều loại vaccine nhất trên thế giới.

TTXVN

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm