Vụ lúa Hè Thu năm nay, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 186.741 ha/186.500 ha, diện tích thu hoạch hơn 100.000 ha, có hơn 16.000 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, nhiều nhất là rầy phấn trắng chiếm diện tích 7.700 ha; trong đó, rầy phấn trắng nhiễm nặng với diện tích 885 ha, nhiễm trung bình 1.840 ha còn lại nhiễm nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - trổ chín với mật số 3.000 - 6.000 con/m².
Đặc biệt, năm nay xuất hiện loại rầy phấn trắng đang phát triển mạnh trên trà lúa hơn 1 tháng tuổi, chủ yếu là rấy phấn trắng tấn công trên lúa chất lượng cao như OM 18 và Đài thơm 8.
Theo ông Nguyễn Văn Mong ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, xuất hiện rầy phấn trắng đang gây nguy hiểm trên nhiều diện tích lúa Hè Thu 2024 của huyện Cao Lãnh. Rầy phấn trắng tấn công lúa trong giai đoạn làm đồng, trổ bông. Ông Mong có diện tích hơn 1 ha bị rầy phấn trắng đang tấn công trên trà lúa hơn 1 tháng tuổi và tấn công trên giống lúa OM 18. Loại rầy phấn trắng mới xuất hiện 2 năm nay và tấn công nhiều nhất trên trà lúa OM 18, làm nguy hại từ 10-30% diện tích, loại rầy này nó làm cho cây lúa héo đỏ và chết.
Anh Mong cho biết thêm, loại rầy này chưa có thuốc đặc trị và bà con nơi đây đi tìm hiểu nhiều nơi để tìm biện pháp cứu chữa nhưng chưa có kết quả.
Anh Nguyễn Thanh Hiền ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình có diện tích sản xuất lúa Hè Thu hơn 2 ha, sử dụng giống lúa OM 18 gieo sạ, vừa qua anh thu hoạch với sản lượng gần 6 tấn/ha, anh Hiền cho biết, vụ Hè Thu 2024 bị rầy phấn trắng tấn công trong giai đoạn lúa bắt đầu trổ bông, làm ảnh hưởng bông chưa trổ đã héo đỏ và chết, cho nên vụ này thất thu gần 500 kg/ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp dự báo, trong tuần tới xuất hiện phổ biến là rầy trưởng thành và rầy cám mới nở tiếp tục phát triển, gây hại phổ biến từ mức nhẹ đến trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng. Dự báo trong điều kiện thời tiết ngày nắng gián đoạn, ẩm độ cao, rầy phấn trắng có thể phát sinh, gây hại phổ biến ở mức nhẹ đến trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng. nhiễm nặng rầy phấn trắng tại các ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, sử dụng giống nhiễm như Jasmine 85, VD 20, OM 4900, IR 50404, nếp.
Nguyên nhân khiến rầy phấn trắng tăng trong thời gian vừa qua và công tác phòng trừ khó khăn là do thời tiết đầu vụ Hè Thu 2024 nắng nóng gay gắt, thiếu nước, tạo điều kiện cho sâu rầy gây hại. Nông dân phun thuốc phòng trừ sớm khi lúa mới 10 - 15 ngày, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng, làm giảm mật số thiên địch có lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho sâu rầy phát triển, đặc biệt là rầy phấn trắng.
Trước những tình trạng nhiễm bệnh sâu rầy trên lúa Hè Thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cảnh báo và hướng dẫn một số giải pháp phòng trừ như: Áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50 – 100% DAP + 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, quản lý nước hợp lý, phân hữu cơ… giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.
Không phun thuốc trừ sâu phổ rộng sớm ở giai đoạn đầu của cây lúa, để bảo vệ thiên địch. Đối với rầy phấn trắng cần nhận dạng đúng đối tượng và triệu chứng gây hại; sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng tránh lây lan sang vụ sau, thực hiện gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm để giảm áp lực gây hại.
Đồng thời, thường xuyên chăm sóc cây lúa phát triển tốt giúp cây tăng sức chống chịu; khi lúa bị nhiễm nặng cần phải giữ mực nước ruộng ổn định trong ruộng lúa để giúp cây lúa nhanh hồi phục. Tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc; thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và chăm sóc kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa.
Nguyễn Văn Trí