Tỉnh Quảng Trị đang tập trung phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững thông qua việc khai thác gắn với phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Huyện Cam Lộ đang xây mô hình trồng 15 ha cây an xoa. Đây là loại cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Mỗi ha an xoa cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm, đầu ra cũng ổn định khi trên địa bàn Cam Lộ có ba cơ sở thu mua, chế biến cây dược liệu này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, từ nguồn nguyên liệu cây an xoa, nhiều sản phẩm đã được chế biến sâu, điển hình là cao dược liệu an xoa được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từ hiệu quả mang lại, huyện Cam Lộ đã quy hoạch vùng chuyên canh cây an xoa với quy mô 200 ha.
Đây là vùng chuyên canh cây dược liệu lớn nhất Quảng Trị với khoảng 150 ha cây dược liệu các loại; trong đó chủ yếu là chè vằng, cà gai leo, an xoa, đinh lăng. Địa phương này hướng đến trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh với khoảng 500 ha vào năm 2025.
Đến cuối tháng 6/2022, tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng trên 3.550 ha cây dược liệu tập trung ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Qua khảo sát, cơ quan chức năng đã xác định có 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển gồm: tràm các loại, nghệ, chè vằng, an xoa, thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, khôi tía, đảng sâm, quế.
Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp tỉnh đa dạng hóa sản phẩm OCOP. Minh chứng là trong tổng số trên 90 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: cà gai leo, chè vằng, an xoa.
Giai đoạn từ năm 2022 – 2026, Quảng Trị dành gần 53 tỷ đồng để thực hiện Đề án Khuyến khích phát triển dược liệu gắn với OCOP. Mục tiêu nhằm phát triển cây dược liệu phù hợp với từng vùng, khai thác và sử dụng bền vững dược liệu trồng và tự nhiên gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Tỉnh phấn đấu đến năm 2026 có 4.500 ha cây dược liệu. Đồng thời, có thêm từ 15 - 20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu; trong đó, có ít nhất một sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, định hướng của tỉnh là phát triển cây dược liệu gắn với khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm nhằm giải quyết việc làm. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng.
Bên cạnh đó, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển chuỗi giá trị dược liệu; đẩy mạnh và tạo điều kiện phát triển các sản phẩm dược liệu trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.
Nguyên Lý