Đưa cây dược liệu đến các xã vùng cao Đà Bắc

Đưa cây dược liệu đến các xã vùng cao Đà Bắc

Yên Hòa là xã vùng cao khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Người dân nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế bằng việc trồng các loại cây thuần nông như lúa, ngô, sắn… nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí nhiều diện tích đất nông nghiệp bị để hoang hóa. Nhận thấy địa phương có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, chính quyền xã Yên Hòa đã có nhiều chủ trương nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có tâm huyết đầu tư, từng bước tạo tiền đề phát triền kinh tế địa phương và hộ gia đình.

Từ năm 2018, Hợp tác xã dược liệu Big Farm đã tiến hành khảo sát, thuê lại những vùng đất hoang hóa của bà con nhân dân và trồng thử nghiệm trên 10ha một số cây dược liệu tại xóm Men, Xã Yên Hòa.

Cho đến nay, hợp tác xã đã trồng thành công các loại cây dược liệu như đương quy, cát sâm, hà thủ ô, bạch chỉ... trong đó có nhiều loại thảo dược quý hiếm gồm thất diệp nhất chi hoa, cát cánh, kim ngân.... qua đó đã cho thấy thổ nhưỡng nơi đây phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu.

Giám đốc Hợp tác xã dược liệu Big Farm, Nguyễn Trọng Khải cho biết, những năm tới hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, nhân rộng thêm nhiều thảo dược quý, từng bước đem lại hiệu quả thiết thực tạo thêm nhiều việc làm cho người dân đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã dược liệu Big Farm đã hướng đến trồng cây dược liệu bằng phân bón hữu cơ và các loại thuốc thảo mộc. Đến nay, vườn dược liệu của Hợp tác xã Big Farm đã có hơn 20 loại thảo dược, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm trong nước thu mua để làm thuốc.

Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, Lường Văn Xứng cho biết, từ khi đi vào hoạt động, mô hình trồng cây dược liệu tại xóm Men của Hợp tác xã dược liệu Big Farm đã đem lại những hiệu quả thiết thực đến cuộc sống, góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân. Cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đây là một hướng đi mà chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa có thể đẩy mạnh nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chính quyền xã Yên Hòa cũng cam kết sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích phát triển cây dược liệu, tạo thêm nhiều việc làm để giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Nhận xét về tiềm năng mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn huyện Đà Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Bàn Kim Quy cho biết, cây dược liệu chính là hướng đi mới được chính quyền huyện Đà Bắc chỉ đạo, vận động doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục phối hợp, mở rộng diện tích canh tác, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Thời gian tới, huyện Đà Bắc sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng cây dược liệu và công nghệ chế biến dược liệu, khuyến khích phát triển, chế biến các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa.

Ngoài mô hình ở xóm Men xã Yên Hòa, hiện nhiều xã trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng đang từng bước phát triển trồng cây dược liệu như ở các xã: Toàn Sơn, Tú Lý... Chính quyền huyện Đà Bắc đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp mở rộng các vùng chuyên canh cây dược liệu.

Với mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu đạt khoảng 30 ha, huyện Đà Bắc từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân nâng cao thu nhập, đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm