Quảng Trị: Đối tượng chính sách thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn ưu đãi

Trong chiến tranh, vùng “đất lửa” Quảng Trị phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt. Hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông, vì hạnh phúc của nhân dân. Sau khi thống nhất đất nước, song song với việc tập trung phát triển sản xuất để phục hồi kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, mộ liệt sỹ, người có công với cách mạng. Trong đó, việc dành nguồn vốn chính sách xã hội để hỗ trợ đã giúp họ vươn lên trong cuộc sống…

Từ một hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình thương binh Nguyễn Văn Dẫn, thôn An Đồng, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình trồng nấm.

vna_potal_hieu_qua_tu_nguon_von_vay_uu_dai_danh_cho_doi_tuong_chinh_sach_tai_quang_tri_7498375.jpg
Thương binh Nguyễn Văn Dẫn, thôn An Đồng, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh giới thiệu mô hình trồng nấm từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TTXVN phát

Năm 2018, ông Dẫn vay 80 triệu đồng dành cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn ban đầu, ông mạnh dạn mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, giống để trồng nấm linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư, nấm sò… trên diện tích 500m2. Sau đó, ông vay thêm các gói vay dành cho hộ cận nghèo và gần đây nhất, đầu tháng 5/2024, gia đình ông vay vốn gói giải quyết việc làm 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông trở thành hộ khá tiêu biểu từ mô hình trồng nấm. Bình quân doanh thu mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dẫn cho hay, trước kia, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Rất may, nhờ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi để gia đình phát triển mô hình trồng nấm nên hiện nay, cuộc sống ngày càng ổn định hơn…

vna_potal_hieu_qua_tu_nguon_von_vay_uu_dai_danh_cho_doi_tuong_chinh_sach_tai_quang_tri_7498371.jpg
Mô hình trồng nấm từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị của gia đình thương binh Nguyễn Văn Dẫn, thôn An Đồng, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh. Ảnh: TTXVN phát

Có mặt tại căn nhà khang trang, hiện đại của thương binh 2/4 Nguyễn Xuân Tế (thôn Hải Chữ, xã Trung Hải) ít ai biết trước đây căn nhà cũ của gia đình thuộc dạng xuống cấp nhất vùng. Ông Tế từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên, bị thương tật 65%, chân trái không còn, cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Sống trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, hằng năm cứ đến mùa mưa lũ, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đến hỗ trợ vợ chồng ông đi sơ tán. Năm 2023, gia đình ông Tế nhận được gói vay vốn ưu đãi 300 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngôi nhà được xây dựng khang trang, vợ chồng ông không còn lo lắng mỗi mùa mưa lũ đến.

Ông Nguyễn Xuân Tế chia sẻ, trước kia do cuộc sống của gia đình khó khăn, có nằm mơ cũng không dám nghĩ rằng mình sẽ được sống trong một ngôi nhà khang trang, hiện đại như ngày hôm nay. Trước đây, căn nhà cũ của gia đình ông bị xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần nước lũ dâng cao, nước ngập hơn nửa nhà, bão đến, vợ chồng ông phải đưa nhau đi sơ tán. Nhờ nguồn vốn vay cùng số tiền tích góp thêm, vợ chồng ông xây lại nhà để ở. Bây giờ, căn nhà đã hoàn thiện, gia đình ông không phải lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về…

vna_potal_hieu_qua_tu_nguon_von_vay_uu_dai_danh_cho_doi_tuong_chinh_sach_tai_quang_tri_7498368.jpg
Ngôi nhà khang trang của gia đình thương binh 2/4 Nguyễn Xuân Tế, thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh vay vốn 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: TTXVN phát

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để cải thiện cuộc sống. Với sự hỗ trợ về nguồn vốn kịp thời của Ngân hàng, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân từng bước thoát nghèo. Đến nay, nguồn vốn chính sách thực sự trở thành “điểm tựa” giúp các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng vay vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, ngày càng nhiều hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị có điều kiện phát triển kinh tế, mở thêm ngành nghề kinh doanh, liên doanh, liên kết tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị, trong 5 năm (2019-2024), bằng các nguồn vốn khác nhau, có hơn 5.000 hộ chính sách vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở... Đặc biệt, trong đó, có trên 50% gia đình vay vốn đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Đô ở huyện Gio Linh với mô hình trồng nấm, hộ ông Dương Văn An ở huyện Triệu Phong với mô hình chăn nuôi bò, lợn...

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đến với người dân, đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng có nhu cầu vay vốn. Để hỗ trợ người dân được tiếp cận một cách nhanh, gọn nhất, công tác cho vay vốn được hệ thống chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân, mang lại hiệu quả cao nhất.

vna_potal_hieu_qua_tu_nguon_von_vay_uu_dai_danh_cho_doi_tuong_chinh_sach_tai_quang_tri_7498369.jpg
Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng chính sách xã hội xã Gio Quang. Ảnh: TTXVN phát

Bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc Ngân hành Chính sách tỉnh Quảng Trị cho biết: Qua hơn 21 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, đã có hơn 500.000 lượt khách hàng được vay vốn với số tiền gần 12.000 tỷ đồng, trong đó, hàng nghìn gia đình là hộ thương binh, gia đình người có công với cách mạng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.

Chương trình cho vay đối với người có công với cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Từ nguồn vốn vay cộng với ý chí, nghị lực phi thường của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều gia đình thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công đã vươn lên, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Thời gian tới, Ngân hàng phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời đưa nguồn vốn đến người nghèo, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…

Thanh Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm