Hòa Bình: Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách trên những vùng đất khó

Hơn 20 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, mà còn là động lực quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 10 huyện, thành phố. Đặc biệt, nguồn vốn cũng góp phần thay đổi rõ rệt trong phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đời sống người dân tại các địa bàn khó khăn nhất.

14_Feb_2023_125515_GMT_15_111004_1110041453191043659.jpg
Gia đình ông Đỗ Bá Sơn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, một trong những gia đình vay vốn chính sách, đang cho hiệu quả kinh tế từ trồng cam. Ảnh:hoabinh.gov.vn

Xã Thạch Yên, huyện Cao Phong nhiều năm trước là một vùng đất nghèo và hoang vu, tuy nhiên nững năm gần đây Thanh Yên đang là một vùng đất trù phú với những ngôi nhà khang trang được xây dựng, những đồi keo, vườn mía hay những đàn trâu, bò cùng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng.

Những năm trước, gia đình ông Bùi Văn Ngợi, xóm Bợ, xã Thanh Yên (Cao Phong) mặc dù có đồng đất rộng nhưng không có vốn sản xuất, chăn nuôi. Ngay khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cao Phong duyệt cho vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình ông đã đầu tư vào chăn nuôi và trồng mía. Đến nay đời sống kinh tế thay đổi hoàn toàn, thu nhập được nâng cao bình quân mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng.

Ông Ngợi chia sẻ: "Nếu không có vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội thì thật khó để có được như ngày hôm nay. Kinh tế cải thiện nhiều, nhờ chăn nuôi, trồng mía gia đình đã làm được nhà mới ổn định hơn".

Xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn là một xã vùng sâu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tuy nhiên nhưng năm gần đây, thông qua vốn chính sách đã giúp nhiều hộ vững bước trên hành trình vượt nghèo làm giàu.

Gia đình anh Bùi Văn Hùng, xóm Duộng Rềnh, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) cũng như nhiều hộ dân trong xóm, nhờ nguồn vốn vay chính sách đã phát triển thành công mô hình nuôi gà thả đồi cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm. Như anh Hùng chia sẻ, nhận thấy lợi thế về vườn, đồi rộng nên thích hợp nuôi gà thả vườn. anh Hùng đã mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lạc Sơn, gia đình anh đã đầu tư nuôi gà và thức ăn, sau mỗi năm có vốn tích cóp gia đình anh lại đầu tư mở rộng quy mô, đến nay kinh tế gia đình đã ổn định và phát triển.

Ông Bùi Văn Nên, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) cho biết, những năm qua, với việc triển khai đa dạng chương trình tín dụng như cho vốn hộ nghèo; vốn xây dựng công trình nước sạch; vốn giải quyết việc làm… nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lạc Sơn đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân trong xã, là điểm tựa quan trọng để nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ gia đình từ nguồn vốn vay đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.

dt_1612024643_img_0674.jpg
Nhờ vốn chính sách, hộ dân xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đầu tư nuôi gà thả vườn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo trên những vùng đất khó mà nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần đẩy nhanh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Sau sát nhập xã Nà Phòn, huyện Mai Châu đặt mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2024. Là xã thuộc diện những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt trên 27 tỷ đồng, với trên 650 hộ vay vốn, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và xây dựng nông thôn mới ở xã Nà Phòn.

Nhờ vốn chính sách, 10 năm trước gia đình bà Bùi Thị Rảnh, xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) đã mua được bò để phát triển chăn nuôi, sau khi gia đình thoát nghèo, bà Rảnh tiếp tục được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mai Châu cho vay 50 triệu đồng thuộc diện chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và 20 triệu đồng chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu. Bà Rảnh chia sẻ: "Nhờ được vay vốn chính sách mà gia đình mới làm được nhà cửa, xây dựng công trình phụ đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây thực sự là nguồn vốn có ý nghĩa rất quan trọng với gia đình tôi và người dân nghèo trong xã".

Bà Vì Thị Phiến, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) cho biết, hiện dư nợ của tổ hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường. Từ nguồn vốn chính sách người dân trong các xóm của xã Nà Phòn mua được trâu, bò để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Những chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đa đáp ứng rất tốt nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực sự đã làm thay đổi nếp sống của người dân khi những chiếc giếng khoan được nhiều hộ dân sử dụng để có nước sạch sinh hoạt, những nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và bảo vệ môi trường góp phần quan trọng để xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh hơn.

Trong năm 2024, xã Nà Phòn tập trung thực hiện tiêu chí về giảm nghèo đa chiều và một tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới và nguồn vốn tín dụng chính sách có vai trò rất quan trọng đối với chính quyền và nhân dân xã Nà Phòn.

Ông Nguyễn Đinh Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Châu cho biết, trong năm 2023 toàn huyện đã có 1.825 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách. Năm 2024, đơn vị đặt mục tiêu tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với những địa bàn xã còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn đang phấn đấu về đích nông thôn mới. Đồng thời rà soát, nâng mức đầu tư cho vay đối với những hộ có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chú trọng đầu tư vốn đối với các đối tượng chính sách chưa được tiếp cận nguồn vốn. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình vươn lên thoát nghèo, vượt khó để làm giàu của người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có dấu ấn rất đậm nét và hiệu quả của vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hòa Bình cho biết, năm 2024 Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tiếp tục duy trì nguồn vốn ưu đãi phủ kín đến 100% thôn, xóm, bản làng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đồng thời chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Qua đó giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước góp phần hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.

Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng chính sách Xã hội tỉnh Hòa Bình đã giúp trên 125,4 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 65,3 nghìn lao động, giúp 1,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ trên 31,9 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn để chi phí học tập; mua hơn 01 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến; đầu tư xây dựng trên 223,7 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và trên 21,4 nghìn căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ vốn mua/thuê mua 572 căn nhà ở xã hội… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 đến nay từ 24,38% xuống còn 9,2.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm