Hiệu quả từ những chương trình vay vốn ưu đãi

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục, hồ sơ để giải ngân nguồn vốn vay cho người dân. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục, hồ sơ để giải ngân nguồn vốn vay cho người dân. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy, gia đình anh Phan Trọng Thoán (thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã đầu tư sản xuất vươn lên thoát cảnh nghèo khó...

Hiệu quả từ những chương trình vay vốn ưu đãi   ảnh 1

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục, hồ sơ để giải ngân nguồn vốn vay cho người dân. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Anh Thoán cho biết, năm 2010 gia đình anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Từ 20 triệu đồng này, anh đã mua 2 con bò giống sinh sản về chăn thả. Với bản tính siêng năng, chịu khó, anh đã chăm sóc đàn bò phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt. Đến nay, đàn bò 7 con được chăm sóc tốt nên sinh trưởng đều đặn, mỗi năm sinh thêm từ 2 – 4 con, cho doanh thu khoảng 80 triệu đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2019, nhận thấy mùa lúa tái sinh là thức ăn dồi dào, thuận lợi cho việc chăn nuôi vịt đồng. Cùng với vốn tích góp được, anh tiếp tục vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy huyện thêm 20 triệu đồng để mua con giống. Buổi ban đầu mở rộng chăn nuôi còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ ý chí vươn lên và sự ham học hỏi, việc chăn nuôi vịt đồng tiếp tục đem lại nhiều thành quả. Khi chăn nuôi có lãi, anh Thoán lại tiếp tục đầu tư nuôi dê, chim bồ câu… Đến nay, doanh thu của gia đình đạt doanh thu khoảng 250 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Theo anh Thoán, từ những ngày đầu lập nghiệp, dù có một số ý tưởng nhưng không có vốn nên rất khó thực hiện. May mắn được biết và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mà anh đã có vốn làm ăn. Dù số tiền vay vốn vào thời điểm đó là không quá lớn nhưng đã góp phần trở thành “cần câu” của anh trong công cuộc thoát nghèo.

Anh Trần Văn Hợp, Trưởng thôn Đại Phong cho biết, anh Thoán là người rất chân chất, luôn có ý chí vươn lên và được mọi người quý mến. Trước đây gia đình anh Thoán có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cộng với sự cần cù, chăm chỉ làm ăn mà giờ đây đã thoát nghèo, ổn định kinh tế. Anh Thoán là tấm gương về sự vượt khó để các hộ gia đình khác noi theo.

Anh Thoán chỉ là một trong hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Lệ Thủy đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế, từ đó từng bước vươn lên, ổn định và nâng cao đời sống.

Tính đến nay, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy đạt trên 720 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt trên 253 tỷ đồng với 4.216 lượt hộ vay vốn. Trong đó, một số chương trình có doanh số cho vay lớn như: cho vay hộ nghèo 30,4 tỷ đồng với 434 lượt hộ vay; cho vay hộ cận nghèo 24,1 tỷ đồng với 346 lượt hộ vay; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 57,3 tỷ đồng với 819 lượt hộ vay…

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Toàn cho biết, hỗ trợ người dân có thêm cần câu để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững là việc làm quan trọng. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy đã tích cực phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai chính sách liên quan đến chương trình cho vay tại tất cả điểm giao dịch trên địa bàn.

Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả gắn với mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.

Đức Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm