Quýt bản địa là cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Nhận thức được giá trị của loại cây ăn quả này, nhiều hộ đồng bào Tày, Nùng, Dao nơi đây đã mạnh dạn cải tạo đất đồi để trồng quýt bản địa, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha.
Quang Thuận hiện có 520 hộ dân thì phần lớn đều trồng quýt bản địa, hộ ít có gần 1 ha, hộ nhiều có 6 ha. Với gần 600 ha, trong đó khoảng 400 ha đang cho thu hoạch, sản lượng quýt bản địa của toàn xã đạt khoảng 5.820 tấn/ năm. Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quýt bản địa ở xã Quang Thuận cho chất lượng tốt, được cấp chỉ dẫn địa lý và công nhận là sản phẩm OCOP.
Nhờ cây quýt bản địa, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Quang Thuận đã thoát nghèo, có đời sống ổn định, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 10%.
Hữu Hải – An Thành Đạt