Múa cồng chiêng - một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor. Ảnh: baoquangngai.vn |
Ông Cao Chư - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vô giá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Sở đã phối hợp với nhiều nhà in, trong đó có Nhà in Thông tấn để xuất bản và giới thiệu đến độc giả nhiều ấn phẩm về văn hóa, con người Cor, Hrê…
Cùng với đó, 2 năm 1 lần (vào những năm chẵn), Sở còn tổ chức các cuộc thi cồng chiêng và hát dân ca giữa các dân tộc thiểu số để tìm ra các nhân tố, hạt nhân văn hóa; thúc đẩy phong trào này phát triển.
Ngoài ra, Sở đã tổ chức 4 lớp học dân ca Hrê và Ca Dong tại 4 huyện miền núi là Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và thu hút gần 200 học viên tham gia (50 học viên/lớp). Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ mở thêm 2 lớp học dân ca Cor tại 2 huyện tiếp theo là Trà Bồng, Tây Trà. Tổng kinh phí mở 6 lớp dự kiến lên tới 400 triệu đồng. Đối tượng theo học chủ yếu là cán bộ văn hóa huyện, Trưởng ban văn hóa xã, các hạt nhân văn hóa cơ sở có sức lan truyền công chúng, đa phần được chọn lựa từ người bản địa. Mỗi lớp như vậy kéo dài trong 1 tuần, các học viên sẽ học theo hình thức tập trung.
Nghi lễ đánh chiêng và múa cà đáo của người Cor ở Quảng Ngãi. Ảnh: Vĩnh Trọng - TTXVN |
Theo ông Chư, qua đánh giá khách quan nhận thấy các học viên có ý thức cao khi tham gia lớp học, cũng như tự hào về vốn di sản văn hóa vô giá của dân tộc mình. Những làn điệu dân ca như Ca lêu, ca choi (đồng bào Hrê); Xà ru, A giới, Xà lía (đồng bào Cor); Dê ô dê (đồng bào Ca Dong) được các học viên nắm bắt khá nhanh và trình bày nhuần nhuyễn. Đồng thời, khuyến khích các học viên dùng điện thoại để lưu lại các bài hát mẫu, hoặc ghi âm lại những bài hát mà mình trình bày trước đó để thuận tiện cho việc học.
Với những hướng đi khả quan, di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi có cơ hội phát triển lên tầm cao mới; đặc biệt là trong tình thế các già làng, cao niên, những người “giữ hồn” văn hóa dần thiếu vắng…
Vĩnh Trọng