Quảng Ngãi cần có bước đột phá phát triển vùng miền núi

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Ngày 12/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Quảng Ngãi cần có bước đột phá phát triển vùng miền núi ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN


Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã liên tục tăng trên 7%; thu ngân sách vượt mức cao (năm 2021 đạt hơn 24.000 tỷ, năm 2022 đạt 34.000 tỷ đồng); quy mô nền kinh tế đứng 19/63 tỉnh, thành phố. Từ chỗ là địa phương mất cân đối ngân sách (năm 2020), đến nay, Quảng Ngãi đã có đóng góp ngân sách về Trung ương. Đời sống của người dân trong tỉnh từng bước được nâng lên.

Về cải cách hành chính, hai năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều cách làm mới nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và có những bước tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2022, kết quả các chỉ số PCI, PAR INDEX và PAPI của tỉnh đều có sự thăng hạng đáng kể: PCI xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc; PAR INDEX xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc; PAPI xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 của tỉnh bằng 98,93% so với cùng kỳ năm 2022. Đến ngày 30/4/2023, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 1.448 tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 20,8% kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tuy đạt nhiều kết quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ngãi vẫn là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Số hộ nghèo còn cao trong khu vực. Quy mô nền kinh tế chưa phát triển đều giữa các ngành lĩnh vực. Công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lọc dầu và thép, chưa có ngành kinh tế mới. Đô thị hóa thuộc mức trung bình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Đoàn công tác có ý kiến với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức chi đầu tư phát triển, đặc biệt là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, sử dụng 50% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để cải cách tiền lương và 50% để chi đầu tư phát triển; đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho Khu Kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10%-15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách Trung ương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng.

Việc thực hiện quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu nhà ở của người dân tại địa phương, đặc biệt là tại những khu vực, địa bàn có địa hình phức tạp (đồi núi, ven biển), có quỹ đất dồi dào, giá đất thấp, chưa có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, dẫn tới tình trạng lãng phí về nguồn lực đất đai. Quảng Ngãi kiến nghị không bố trí quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để triển khai dự án nhà ở xã hội và giao cho địa phương tự quyết định thực hiện.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, thành viên Đoàn công tác đã có ý kiến đóng góp, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Đoàn công tác Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Quảng Ngãi trong hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2025). Đặc biệt, nền kinh tế của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn tác động của COVID-19, đảm bảo an toàn cho người dân.

Trưởng Đoàn công tác nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Quảng Ngãi đã giữ được sự ổn định, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm Quốc gia; chăm lo tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân, quan tâm công tác giảm nghèo, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Đánh giá dư địa, nguồn lực để Quảng Ngãi phát triển còn rất lớn, bà Phạm Thị Thanh Trà lưu ý tỉnh cần đánh giá toàn diện lại kết quả nữa nhiệm kỳ qua, đề ra các giải pháp căn cơ cho nữa nhiệm kỳ sau, trong đó quan tâm đến cải cách hành chính, chuyển đổi số, thu hút phát triển các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế làm động lực cho phát triển kinh tế gắn với phát triển xanh, bền vững.

Trước mắt, tỉnh cần nhận diện thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong qúy I/2023, từ đó có giải pháp xây dựng, phát triển trong tình hình mới, có hướng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tỉnh cần có bước đột phá phát triển vùng miền núi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công. Việc phát triển nhà ở xã hội không phải là cấp bách ở Quảng Ngãi nhưng đây là chính sách an sinh xã hội, tỉnh cần phải tận dụng tốt chính sách này để chăm lo, đảm bảo quyền lợi về nhà ở cho người dân.


Phạm Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm