Khoảng hơn một tháng nay, bệnh héo, chết keo đang phát sinh gây hại trên rừng trồng tại Quảng Ngãi và có xu hướng lan rộng ở tuổi cây từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 khiến người trồng lo lắng.
Tại xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, nhiều hộ dân trồng keo đang cắt bỏ cả vườn keo nhiễm bệnh vì cây keo chưa đến tuổi thu hoạch. Những cây nhỏ thì lấy thân cành làm củi đốt, cây lớn mang bán cho công ty dăm gỗ với hy vọng thu lại phần nào tiền giống, đạm đã đầu tư.
Anh Phạm Văn Bính, xã Ba Thành cho hay, gia đình có gần 4 ha đất rừng trồng keo, hiện cây đã được gần 2 năm tuổi. Lúc đầu anh phát hiện nấm bệnh làm cho lá bị vàng, khô, gãy cành, không phát triển và chết sau đó vài tuần. Cây keo còn non nên không thể bán gỗ nguyên liệu, do vậy chỉ có cách là chặt đốt, trồng mới lại. Tuy nhiên, do diện tích lớn quá nên phải thuê người, tốn nhiều chi phí. Ước tính lần này gia đình thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Gia đình ông Phạm Văn An, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Rừng keo rộng hơn 2 ha của ông An bắt đầu xuất hiện tình trạng chết cây cách đây khoảng 1 tháng và đến nay diện tích đã lan rộng khoảng 0,5 ha. Ông An cho biết, nấm bệnh lây lan rất nhanh, không thể cứu vãn được. Những năm trước cũng có hiện tượng keo chết nhưng chỉ lác đác một số cây, không đáng kể nhưng năm nay lại chết hàng loạt. Vì rừng keo mới chỉ được 1 năm tuổi nên ông An chỉ còn cách chặt bỏ để làm củi đốt chứ không bán được.
Theo ông An, một ha trồng gỗ keo sau 5 năm cho năng suất từ 80 đến 150 tấn gỗ keo với giá thu mua hiện nay dao động từ 1,1 triệu - 1,3 triệu đồng/tấn. Thế nhưng, cây keo non từ 1 đến 3 năm tuổi bị bệnh, chọn lựa cây lớn để bán gỗ dăm cũng chẳng được bao nhiêu. Những vườn keo bị bệnh chủ yếu là mới trồng từ 1-3 năm nên bà con chủ yếu chặt cây làm chất đốt chứ không bán được. Trong khi đó, trồng mới trở lại cần có tiền mua cây giống, phân bón nên người trồng gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí cũng như lo khả năng cây nhiễm bệnh tiếp.
Theo anh An, một ha trồng gỗ keo sau 5 năm cho năng suất từ 80 đến 150 tấn gỗ keo với giá thu mua hiện nay dao động từ 1,1 triệu - 1,3 triệu đồng/tấn. Thế nhưng, cây keo non từ 1 đến 3 năm tuổi bị bệnh, chọn lựa cây lớn để bán gỗ dăm cũng chẳng được bao nhiêu. Những vườn keo bị bệnh chủ yếu là mới trồng từ 1-3 năm nên bà con chủ yếu chặt cây làm chất đốt chứ không bán được. Trong khi đó, trồng mới trở lại cần có tiền mua cây giống, phân bón nên người trồng gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí cũng như lo khả năng cây nhiễm bệnh tiếp.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 430 ha cây keo bị bệnh, giai đoạn cây từ 1 - 3 tuổi, tỷ lệ chết cây từ 2 - 20%, nơi cao từ 30 - 40%. Nếu như những năm trước, keo bị bệnh chết chỉ lác đác ở một số địa phương và chỉ xuất hiện ở khu vực thấp trũng thì năm nay bệnh nấm đã lan ở 10 địa phương gồm: Nghĩa Hành, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Sơn Tây, Sơn Hà, Bình Sơn, Minh Long và thị xã Đức Phổ.
Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi cho biết, sau quá trình kiểm tra thực tế và lấy mẫu gửi Trung tâm bảo vệ thực vật miền Trung để kiểm tra, xác định nguyên nhân là do nhiễm nấm Ceratocystis sp. Cây bị bệnh có triệu chứng điển hình là thân hoặc cành có những vết loét, nứt thân xì mủ. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa kéo dài, từ các điểm tổn thương trên cây keo, nấm đã xâm nhập gây hại và lan rộng.
Thêm vào đó, nguồn gốc nấm bệnh cũng được xác định bắt đầu từ những diện tích rừng lâu năm, trong quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ khiến cho mầm bệnh lưu trú, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi là nấm phát triển nhanh, gây hại trên cây non. Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân người dân trồng mật độ quá dày và nguồn cây giống không đảm bảo chất lượng.
“Người trồng nên chặt tỉa những cành nhỏ để rừng cây thông thoáng và phun thuốc phòng bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì diện tích nhiễm bệnh quá lớn, cần áp dụng biện pháp thủ công để khoanh vùng, dập dịch ngăn không cho bệnh lan rộng. Đối với diện tích keo trồng mới, người trồng cần lựa chọn cây giống tốt, có khả năng chống chọi với các loại bệnh. Đồng thời theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, khi thấy cây xuất hiện mầm bệnh, cần tiến hành cắt bỏ, tiêu huỷ cành, lá bị bệnh và phun hóa chất diệt trừ nấm” - ông Bá khuyến cáo.
Đinh Hương