Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững

Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững

Du lịch biển đảo Quảng Nam đã và đang trở thành sản phẩm du lịch có sức hút mạnh đối với du khách trong và ngoài nước. Trước mùa du lịch biển đảo năm nay, nhất là khi dịch COVID-19 được khống chế, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để không những đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho du khách mà còn góp phần khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo.

Là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch sinh thái biển đảo của Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh chia sẻ: Hiếm nơi nào như Hội An, vừa có đô thị cổ là Di sản văn hóa thế giới, vừa cận kề sông nước, biển và hải đảo. Hệ thống kênh rạch chằng chịt, bao bọc và phân cắt địa hình, tạo nên những vùng sinh thái đan xen với các làng nghề truyền thống. Biển đảo Cù lao Chàm gắn liền với Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một minh chứng rõ nét về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, là “tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu” như nhận định của UNESCO. Do đó, bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên biển đảo gắn với phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững đã, đang và sẽ là sự lựa chọn tất yếu của Hội An.

Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững ảnh 1Thắng cảnh Bàn Than, huyện Núi Thành, Quảng Nam là điểm nhấn trên hành trình du lịch biển đảo Cù Lao Chàm-Tam Hải-Lý Sơn. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN)

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, để gắn kết giữa sinh thái - văn hóa và du lịch sinh thái biển đảo, lần đầu tiên trong cả nước, năm 2014, thành phố Hội An đã chọn Bãi Hương (Cù lao Chàm) làm tiểu khu quản lý bảo tồn biển cho cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác và phát triển sinh kế song hành với các mục tiêu của khu bảo tồn biển. Sau 8 năm hoạt động, mô hình đã đáp ứng được sự mong đợi của chính quyền và khu bảo tồn biển. Từ chỗ sinh kế bấp bênh, người dân thôn Bãi Hương đã kiểm soát tốt mọi hoạt động khai thác hải sản và phát triển dịch vụ du lịch.

Một trong những mô hình phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững được thành phố Hội An thực hiện thành công và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo là phục hồi rạn san hô để phục vụ nhu cầu lặn biển của du khách, nhất là khách quốc tế. Trong mô hình này, người dân xã đảo Tân Hiệp đã làm chủ công nghệ, hỗ trợ cho khu bảo tồn biển xây dựng các khu vườn ươm, phục hồi hơn 6000 tập đoàn san hô cứng, làm chỗ trú ẩn cho hàng chục loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trú ngụ và phát triển nhanh.

Mô hình quản lý bảo tồn biển hay phục hồi rạn san hô chỉ là hai trong số hàng chục mô hình thân thiện của cộng đồng đối với môi trường sinh thái được áp dụng thành công, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Trước dịch COVID-19, năm 2019, khách tham quan biển đảo Cù lao Chàm đạt 440 nghìn người, gấp 210 lần dân cư trên đảo, thu nhập xã hội đạt gần 100 tỷ đồng, thu nhập của người dân nơi đây đạt gần 53 triệu đồng/người/năm.

Để chuẩn bị đón khách du lịch có hộ chiếu vaccine, khôi phục lại hoạt động du lịch, thành phố Hội An tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên cơ sở nâng cấp các tour, tuyến, các loại hình dịch vụ-du lịch phù hợp, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo trên cơ sở vừa đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa dịch COVID-19, các nguyên tắc về bảo tồn sinh thái biển đảo, bảo tồn các giá trị di sản, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” được Chính phủ đề ra.

Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững ảnh 2Các ca nô tham gia vận chuyển khách tuyến biển Hội An- Cù Lao Chàm đều được kiểm tra đảm bảo an toàn kỹ thuật. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN


Là một trong những sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam, du lịch biển đảo, lặn biển, với môi trường không khí trong lành ở các vạn chài được xem là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Quảng Nam trên vùng biển đảo Cù lao Chàm. Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch biển Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xác định, hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, du lịch thể thao và sinh thái biển là những sản phẩm chủ lực. Quảng Nam đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để từng bước đáp ứng được những yêu cầu phát triển du lịch sinh thái biển đảo bền vững, trở thành chuỗi sản phẩm có thương hiệu mạnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng kỳ vọng.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm