Với định hướng cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững sau khi dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi, chiều 10/6, tại thành phố Hội An, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức hội thảo "Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam". Hơn 200 đại biểu là các chuyên gia về du lịch, các diễn giả trong nước và quốc tế, các công ty lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ tham dự hội thảo.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ: Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế du lịch, nhưng cũng tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp du lịch nhìn nhận lại chặng đường hoạt động đã đi qua, thúc đẩy tư duy phát triển, cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững. Đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay để ngành du lịch Quảng Nam vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng.
Đánh giá về thị trường khách du lịch đến Quảng Nam thời gian qua và cơ cấu thị trường chiến lược cho du lịch Quảng Nam trong thời gian đến, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam Trần Trọng Kiên nhấn mạnh: Sau đại dịch COVID -19, xu hướng du lịch có quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã bắt đầu khôi phục. Đây là cơ sở để kỳ vọng về sự thành công của chủ trương chú trọng thị trường khách du lịch nội địa, "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và sự kiện sẽ là những sản phẩm có khả năng lấy lại sự phục hồi cho ngành du lịch. Cộng đồng doanh nghiệp cần có giải pháp và sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn để đón lấy thị trường khách du lịch này.
Nhận diện và đề xuất giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch xanh, bền vững cho Quảng Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đề xuất: Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng và bảo trợ thương hiệu du lịch xanh trên cơ sở giảm thiểu rác thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng hợp tác để tạo ra một mạng lưới hỗ trợ rộng khắp trong quá trình bảo trợ sản phẩm du lịch xanh. Điều quan trọng nhất là trong quá trình xây dựng thương hiệu du lịch xanh, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương phải tạo ra sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng, cải thiện sinh kế cho cộng đồng, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị di sản và văn hóa truyền thống.
Đánh giá cao vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch Quảng Nam, ông Micheal Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Nếu chúng ta coi trải nghiệm thực tế về các giá trị di sản là chìa khóa thành công thì yếu tố còn lại là tính bền vững của công tác bảo tồn. Du lịch là nhân tố của sự biến đổi, ngành du lịch cần phải đi trước để đảm bảo những tác động từ du lịch đối với môi trường, với Di sản đang được quản lý tốt và bền vững. Đây là điều hết sức quan trọng trước khi triển khai bất kỳ dự án nào.
Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ về “Các giải pháp công nghệ truyền thông và kỹ thuật số hướng đến du lịch trải nghiệm, du lịch xanh”; “Gia tăng doanh thu cho du lịch từ dữ liệu (Big database)” và “Giới thiệu bộ tiêu chí xanh cho du lịch Quảng Nam”. Các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong lĩnh vực du lịch đã chia sẻ, giải đáp những băn khoăn của các doanh nghiệp du lịch khi chuyển từ thị trường khách quốc tế sang thị trường khách du lịch nội địa...
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội nhìn lại chặng đường du lịch đã trải qua, bắt buộc cộng đồng du lịch phải đồng hành tìm giải pháp thích nghi, đổi mới nhằm tăng sức đề kháng và khả năng ứng phó khủng hoảng, sớm đón lại thị trường khách du lịch nội địa. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần phát huy vai trò trong phát triển du lịch theo mô hình du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm mới nhằm tạo đột phá, phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng du lịch. Đây cũng là cơ sở để cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững trong thời gian tới để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đoàn Hữu Trung