Ngành du lịch Quảng Nam cần được “tiếp sức” để phục hồi

Ngành du lịch Quảng Nam cần được “tiếp sức” để phục hồi

Dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã được khống chế và từng bước đẩy lùi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhanh chóng tiêm vaccine phòng, chống dịch trong toàn dân, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch phục hồi sau thời gian dài khó khăn.

Ngành du lịch Quảng Nam cần được “tiếp sức” để phục hồi ảnh 1Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tuy nhiên, do phải nghỉ để chống dịch trong thời gian dài, khả năng về tài chính đã vượt quá sức "chịu đựng" của doanh nghiệp, nên hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang rất cần sự “tiếp sức” từ nhiều phía để vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn này. Đây là ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ du lịch tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh chia sẻ: Để quảng bá, xúc tiến, cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, kích cầu du lịch thì trước mắt cần khôi phục thị trường khách du lịch nội địa. Tỉnh Quảng Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu đến năm 2025 thu hút được hơn 12 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 - 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt hơn 5% và tạo ra khoảng 30.000 việc làm cho xã hội; đến năm 2030 du lịch Quảng Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP đạt từ 7 - 8% và tạo ra hơn 50.000 việc làm.

“Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 cơ bản trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ không chỉ của vùng duyên hải miền Trung mà còn của cả nước và khu vực; chủ động đóng góp tích cực cho liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là với Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2021 này, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế trên tất cả các mặt hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hạ lãi suất và kéo dài thời hạn cho vay, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi lại hoạt động...” Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đề xuất.

Ông Trần Thái Do, Giám đốc khu nghỉ dưỡng cao cấp Silk Sense Hoian River Resort bày tỏ: Hội An là đầu tàu du lịch của tỉnh Quảng Nam. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung đã, đang từng bước ứng phó có hiệu quả với điều kiện thực tế để khắc phục khó khăn, xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng, thu hút du khách trở lại. Tuy nhiên muốn làm được điều này, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách, tài chính để vượt qua khó khăn trước mắt, thích ứng với trạng thái bình thường mới khi đại dịch đi qua.

Ông Trần Thái Do kiến nghị, để doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, cộng đồng doanh nghiệp đã được tái cơ cấu nguồn vốn vay theo thời hạn 3 tháng/lần. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp đã cạn kiệt, ngân hàng cần nới rộng thời hạn tái cơ cấu mỗi lần từ 6-9 tháng. Thực tế cho thấy, tài sản của doanh nghiệp du lịch rất lớn nhưng nếu kéo dài thời gian dừng hoạt động thì doanh nghiệp du lịch sẽ gặp khó khăn chồng chất. Do vậy nhu cầu bức thiết nhất hiện nay là phải tái cơ cấu nguồn vốn vay.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hùng Cường, doanh nghiệp vận hành Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh tin tưởng về khả năng hoạt động du lịch sẽ phục hồi tốt trong năm 2021. Sau khi dịch COVID -19 được kiểm soát, cùng với các giải pháp kích cầu, hạ giá các loại hình dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để “Hòn ngọc xanh” của miền Trung thật sự là điểm đến của du khách, trước mắt là thị trường khách du lịch nội địa.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhận định, nếu chúng ta tiếp tục khống chế dịch COVID- 19 tốt thì khả năng du lịch phục hồi trong năm 2021 là hoàn toàn có thể. Năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19, Khu du lịch Mỹ Sơn thu hút 430.000 lượt khách, trong đó có hơn 380.000 lượt khách quốc tế. Hiện tại khách du lịch đến Mỹ Sơn vẫn còn hạn chế. Năm 2021, khách du lịch nói chung và khách quốc tế đến Việt Nam nói riêng sẽ lấy lại đà tăng trưởng vì vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm cho toàn dân, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

Chia sẻ những kiến nghị và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về nguồn vốn tái đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, tỉnh Quảng Nam đã chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt để phục hồi, phát triển du lịch sau dịch COVID-19 với phương châm “An toàn và mến khách”. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, ngành sẽ tổng hợp đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất, góp phần tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch phục hồi...

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm