Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các cây dược liệu. Trong nhiều năm qua, với giá trị kinh tế cao cùng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư mạnh vào việc trồng và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu. Những loại dược liệu quý của tỉnh như: sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân...dần đã trở thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phẩn giảm nghèo ở miền núi và gia tăng giá trị cho ngành dược liệu của tỉnh.
Công ty cổ phần Sâm Việt Linh là một trong 16 đơn vị được tỉnh có quyết định cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Doanh nghiệp này trồng sâm ở khoảnh 7, tiểu khu 886 thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My có độ cao từ 1.800 m đến 2.000 m so với mực nước biển. Hiện nay vườn sâm của công ty có gần 7.000 cây từ 1 đến 5 năm tuổi và có khoảng 600 cây từ 7 năm đến 15 năm tuổi. Mỗi năm vườn sâm này có khả năng cho khoảng 7.000 hạt giống.
Điều đáng mừng, cùng với giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, hàng năm tùy vào mùa chăm sóc, thu hoạch hạt sâm, công ty cũng ký hợp đồng với hàng chục lao động là người Xê Đăng, góp phần cải thiện đời sống cho người dân vùng miền núi Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Ông Nguyễn Đức Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sâm Việt Linh (Quảng Nam) cho biết, từ khi nhận quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam cho phép ký quyết định dịch vụ thuê môi trường rừng, công ty xác định việc bảo vệ rừng nguyên sinh được đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển và trồng sâm Ngọc Linh, vì cây sinh trưởng và phát triển dưới các tán rừng.
Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam là đơn vị được nhà nước giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn, gieo ươm, phân phối cây giống chất lượng cho người dân, doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Nếu như các năm trước đây, tỷ lệ gieo ươm cây con chỉ đạt 19% thì đến nay tỷ lệ này đã được nâng lên đạt khoảng 60%. Ngoài việc nâng cao chất lượng vườn sâm gốc, việc gieo trồng cây con trong nhà có mái che cùng việc nghiên cứu sâu về đặc tính của cây sâm đã giúp việc gieo trồng tránh được những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, dịch hại… Riêng trong năm 2020, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam sản xuất và cung ứng trên 25.000 cây sâm giống ra thị trường.
Ông Trần Ngọc Bằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chia sẻ, bằng nhiều giải phát để đầu tư phát triển sản xuất cây giống. ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thu hái, sản xuất nguồn giống tốt để đem lại hiệu quả cao trong việc sản xuất cây giống. Đồng thời, ban hành quy chuẩn cây giống theo quy định
Về cơ chế thu hút doanh nghiệp, đến nay nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 22 tỷ đồng cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng các trại nhân giống và mua giống sâm Ngọc Linh phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, huyện Nam Trà My cũng hỗ trợ 15 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tổng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm theo phê duyệt khoảng 370 tỷ đồng.
Ngoài cây sâm phát triển mạnh ở huyện Nam Trà My, nhiều loại dược liệu quý khác cũng đang được các địa phương miền núi trong tỉnh Quảng Nam tập trung quy hoạch, mở rộng diện tích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư như ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, chè dây …
Theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được hưởng lợi khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu được hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm; tỉnh dành nguồn kinh phí 30 tỷ đồng/năm để hỗ trợ thực hiện các dự án hợp tác, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, dược liệu nói riêng.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phát triển chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến sản xuất một số sản phẩm từ cây dược liệu đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như cao đảng sâm, đảng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đảng sâm, trà giảo cổ lam, trà túi lọc cà gai leo, chè dây…
Chính những cơ chế chính sách này, đã giúp cho lĩnh vực trồng và chế biến các loại cây dược liệu ngày càng khởi sắc. Đảng sâm là một loại dược liệu quý, được trồng nhiều ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh trong đó nhiều nhất là Tây Giang. Ở đây đảng sâm được trồng ở các xã vùng cao như Axan, Ch’ơm, Gari…Một vài năm trở lại đây, Tây Giang đã hình thành nhiều hợp tác xã chuyên về cây dược liệu. Đây là cơ sở, nền tảng để phát triển chuỗi giá trị sản xuất lẫn tiêu thụ cây đẳng sâm và các loài dược liệu đặc hữu của vùng.
Những năm trước đây, để khuyến khuyến khích người dân trồng đẳng sâm, huyện Tây Giang hỗ trợ 5 triệu đồng cho người trồng 1 ha đẳng sâm. Nhờ cách làm này mà hiện nay diện tích trồng loại dược liệu này ở Tây Giang khoảng 910 ha. Điều đáng mừng, ngoài việc trồng và thu mua cây đẳng sâm hiện nay, tại Tây Giang đã có nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư sản xuất các sản phẩm từ đẳng sâm.
Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung vào phát triển khoa học công nghệ trong việc trồng và chế biến sâu các sản phẩm về dược liệu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời, tập trung sản xuất nguồn giống gốc đảm bảo năng lực cung ứng cho sản xuất cây dược liệu. Đặc biệt giống cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, thu hút các doanh nghiệp đủ năng lực để phối hợp với hộ dân sản xuất để đưa ra thị trường một chuỗi liên kết sản xuất. Góp phần nâng cao giá trị, chất lượng cho các sản phẩm dược liệu nói chung và sản phẩm sâm Ngọc Linh nói riêng trên thị trường.
Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích trên 64.000 ha; trong đó diện tích đã trồng hiện có gần 2.500 ha; diện tích quy hoạch trồng mới trên 61.000 ha. Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên cơ sở xây dựng các vùng cây dược liệu ổn định, phát triển nguồn giống dược liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và khai thác dược liệu.
Trần Tĩnh