Mô hình trồng nấm lim xanh tại nhà. Ảnh: Trần Tĩnh – TTXVN |
Nấm Lim xanh có tên khoa học là Garnodema lucidum, còn được biết đến với những tên gọi khác như Vạn niên nhung, Nấm trường thọ, Tiên thảo. Đây là một loại nấm thuộc họ linh chi quý, thường mọc trên những thân và rễ cây gỗ lim đã bị mục nhiều năm.
Đặc biệt, loài nấm này có chứa chất triterpenes giúp điều tiết nội tố, ngừa tiểu đường, ổn định huyết áp và có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Do vậy, nhu cầu thị trường tìm mua nấm lim xanh rất lớn, trong khi nguồn cung nấm lim xanh tự nhiên lại rất hạn chế và đang bị khai thác cạn kiệt, kể cả những cây nấm chưa đạt độ tuổi trưởng thành vẫn bị lấy đi, khiến loài nấm này đứng trước nguy cơ tận diệt.
Tỉnh Quảng Nam đang triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị nấm linh chi Quảng Nam, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng nông thôn miền núi. Ảnh: Trần Tĩnh – TTXVN |
Với sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Linh Chi Quảng Nam dự án “Phát triển chuỗi giá trị nấm linh chi Quảng Nam, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng nông thôn miền núi, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số” được triển khai nhằm giúp người dân nuôi trồng nấm linh chi và nấm lim xanh tại hộ gia đình, hướng tới thu nhập bền vững. Đồng thời, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen của hai loại nấm quý và phải giảm lượng khai thác từ tự nhiên.
Dự án được triển khai từ năm 8/2018 đến nay đã thu hút 375 người dân tham gia, thuộc các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Đại Lộc, Tây Giang, Núi Thành, Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Khi tham gia dự án, người dân được tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm, các nguyên liệu thực hành và hỗ trợ xây dựng 15 lán trại trồng nấm.
Đồng thời, tiểu dự án cũng hỗ trợ cho người dân xây dựng 2 nhà trồng nấm làm mô hình trình diễn, cung cấp phôi nấm, giá kệ sắt ươm phôi, hệ thống máy phun sương cho các mô hình.
Bên cạnh đó, tháng 7/2019 vừa qua dự án đã mời một giáo sư từ trường Đại học Kyushu Nhật Bản và 2 tư vấn của Việt Nam đến để tiến hành phân lập, thuần chủng, nhân giống và chuyển giao công nghệ trồng nấm.
Bước đi này không những giúp cho người trồng nấm chủ động được khâu nhân giống chất lượng cao, mà còn mở ra triển vọng chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm cho những người dân có mong muốn tham gia, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng nấm lim xanh và linh chi hoàn chỉnh, bền vững và có tính cạnh tranh cao.
Các hộ gia đình tham gia dự án nuôi trồng đã thành công, tất cả sản phẩm đều được công ty TNHH MTV Nấm linh chi Quảng Nam thu mua. Ảnh: Trần Văn Tĩnh - TTXVN |
Quy trình chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi, nấm lim xanh và nấm ăn tại nhà được bắt đầu từ tháng 8/2019, người dân tham gia nuôi trồng nấm đã được cung cấp 15.000 phôi bịch.
Ngay khi bà con nhận được phôi nấm đã được học lớp về kỹ thuật đóng phôi, cấy giống nuôi trồng, chăm sóc, thu hái nấm ăn và nấm lim xanh. Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam nuôi trồng thành công nấm lim xanh trong phôi bịch.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh người dân tham gia trồng nấm tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây người dân chỉ biết trồng lúa, đi làm thuê để mưu sinh. Do vậy, khi có mô hình trồng nấm lim xanh trong nhà, nhiều người đã xung phong tham gia hưởng ứng.
Cùng với sự hỗ trợ tận tình của cán bộ kỹ thuật, bà con dần làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc cây nấm. Từ đó, mô hình đã giúp người dân tham gia giảm bớt sức lao động, lại có thu nhập bền vững.
Hiện, ba tổ hợp tác đầu tiên đã nuôi trồng thành công nấm lim xanh tại hộ gia đình, tất cả sản phẩm đều được Công ty TNHH MTV Nấm linh chi Quảng Nam thu mua với mức giá cố định theo hợp đồng là 900.000 đồng/kg nấm khô. Ước tính thu nhập cho mỗi hộ gia đình trồng nấm gần 10 triệu đồng/năm.
Ông Đào Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nấm linh chi Quảng Nam cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục cung cấp các bịch phôi nấm đã được ươm tại trại giống của công ty cho người dân tham gia. Đồng thời, thiết lập nhà trồng nấm lớn với diện tích 100 m2 để hai tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi và lim xanh có thể áp dụng công nghệ cao phục vụ mở rộng sản xuất, tăng năng suất cây nấm.
Bằng việc khoanh nuôi, kết hợp với chuyển giao công nghệ và nuôi trồng thành công nấm linh chi và nấm lim xanh tại các hộ gia đình, đã góp phần giải quyết hiện trạng cạn kiệt hai giống nấm quý hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, đây còn là hướng đi tạo sinh kế cho bà con địa phương, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.Qua đó, tận dụng được lợi thế của tỉnh Quảng Nam để thúc đẩy kinh tế và đưa cây dược liệu quý vươn ra thế giới.
Trần Tĩnh – Khoa Chương