Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ các công trình an sinh trong vùng sạt lở

Gần một năm xảy ra vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn làm thiệt hại người và tài sản của Nhà nước, nhân dân hàng trăm tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình phúc lợi và khu tái định cư, phấn đấu đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, 5 khu tái định cư đã xong phần mặt bằng và chính quyền xã đã mời các hộ đến nhận đất, làm nhà. Trong số 97 hộ bị trôi, sập nhà hoàn toàn, 44 hộ đã làm xong nhà và dọn vào ở, 10 hộ cơ bản hoàn thành, còn lại hơn 40 hộ đang triển khai thi công, dự kiến đến 15/9 sẽ làm xong nhà và dọn vào ở trước 30/9.

Nhà nước bàn giao mặt bằng, kinh phí làm nhà cho các hộ dân bị mất nhà do bão lũ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 165 của Chính phủ với số tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, các gia đình còn có sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị từ 60 đến 100 triệu đồng/hộ. Bình quân, mỗi hộ dân bị trôi, sập nhà hoàn toàn sẽ được hỗ trợ từ các nguồn 140 đến 180 triệu đồng. Vì vậy, 5 khu tái định cư đang được gấp rút thi công để bố trí chỗ ở cho 235 hộ, trong đó có 166 gia đình bị thiệt hại về nhà ở trong đợt mưa bão cuối năm 2020.

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ tái định cư, Phước Sơn tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng. Hầu hết công trình trong tổng số 35 công trình khởi công mới đã triển khai thi công. Tỷ lệ giải ngân theo thống kê đã đạt khoảng 47% kế hoạch. Các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

Huyện đang cùng với các cơ quan đầu tư của tỉnh tích cực thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Vừa qua, các tuyến đường giao thông ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án và huyện đang tiến hành các bước thủ tục tiếp theo. Mục tiêu cuối quý IV/2021 sẽ thực hiện xong thủ tục đấu thầu để đầu năm 2022 triển khai thi công các tuyến đường này.

Bên cạnh đó, huyện Phước Sơn đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai năm 2021, trong đó đã giao cho các ngành chuẩn bị khoảng 60 tấn gạo, bố trí dự trữ ở 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc cùng với một số nhu yếu phẩm khác. Số gạo này được đưa về các thôn để ứng phó khi có sự cố cô lập, tắc đường, đảm bảo người dân không bị đói khi có tình huống khẩn cấp.

Mới đậy, khi kiểm tra thực tế tình hình triển khai tái định cư cho người dân vùng sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá cao nỗ lực của địa phương, các cấp ngành đã đồng hành, chăm lo cho người dân, đảm bảo các điều kiện về chỗ ở, hạ tầng thiết yếu tại các khu tái định cư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, do khó khăn về mặt bằng và các điều kiện thi công, thủ tục còn nhiều vướng mắc nên công tác chuẩn bị đầu tư có phần chậm. Tuy nhiên, chính quyền Phước Sơn đã khẩn trương phối hợp, tham vấn ý kiến của cộng đồng và các nhà khoa học để lựa chọn mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Các khu tái định cư hiện tại đều có vị trí thuận lợi, khả năng sạt lở thấp. Quá trình lập thủ tục, thi công cũng được triển khai tích cực để đảm bảo tất cả khu tái định cư được đưa vào đầu tư xây dựng, đủ điều kiện để bố trí dân cư, mục tiêu là hoàn thành trước ngày 30/9 sắp tới. Bên cạnh đó, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai các công trình do mình quản lý ở trên địa bàn huyện Phước Sơn, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống thiên tai phức tạp xảy ra. Các công trình này phấn đấu đến ngày 15/9 hoàn thành.

Trần Tĩnh

Tin liên quan

Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 19/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án "Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025". Tham gia hội nghị có đại diện của các sở, ban ngành và lãnh đạo một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.


Quảng Nam tạo sinh kế bền vững cho người dân sau bão lũ

Không chỉ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng, các trận bão lũ cuối năm 2020 còn khiến hàng nghìn hộ gia đình ở tỉnh Quảng Nam đối mặt với khó khăn, sản xuất bị đình đốn, sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, đi cùng với nỗ lực ổn định chỗ ở, tạo sinh kế thích hợp và bền vững, phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của từng vùng được tỉnh Quảng Nam đặt lên hàng đầu để từng bước giúp đồng bào khôi phục sản xuất.


Quảng Nam phấn đấu hoàn thiện toàn bộ nhà ở vùng sạt lở núi trước mùa mưa

Sáng 23/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác của các ban, ngành đã có chuyến thăm, kiểm tra tình hình chăm lo đời sống người dân vùng sạt lở ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn), nơi xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng khiến hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng nặng.


Quảng Nam: Gùi lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đồng bào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn

Nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trong trận sạt lở núi kinh hoàng, sáng 1/11, các lực lượng tìm kiếm sử dụng 32 thuyền và ca nô để dò tìm trên các dòng sông, suối và lòng hồ thủy điện Sông Tranh. Thiết bị Playcam tầm soát nhiệt cũng được lực lượng tìm kiếm sử dụng liên tục để mở rộng địa bàn tìm kiếm nạn nhân. Đến nay, lực lượng tìm kiếm đã tìm được 8 người trên tổng số 24 người bị mất tích. Công tác tìm kiếm đang tiếp tục được tiến hành một cách khẩn trương.


Hỗ trợ lương thực cho các hộ dân bị thiệt hại do bão lũ, kiên quyết không để người dân bị đói, rét

Ngày 1/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm các hộ dân bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị; đồng thời phối hợp thực hiện việc rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.



Đề xuất