Quảng Bình ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Nhiều tuyến đường  ngập do mưa lũ gây ra người dân phải dùng ghe, xuồng di chuyển. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN
Nhiều tuyến đường ngập do mưa lũ gây ra người dân phải dùng ghe, xuồng di chuyển. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN

Liên tiếp những ngày qua, địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa, có nơi mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 50 -120mm, có nơi trên 170mm. Mưa lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa; vùng núi các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy và Quảng Ninh, đồng thời ngập úng có thể xảy ra tại các vùng trũng, thấp, ven sông, các khu đô thị.

Để chủ động ứng với mưa lớn, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng Vụ Hàng hải Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn và Chi cục Thủy sản theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến của gió mạnh trên biển để thông báo kịp thời cho các tàu, thuyền biết chủ động phòng tránh cũng như có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn.

Đơn vị chức năng duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; chủ động kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ quét và sạt lở đất; chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch như: đồi phòng không xã Đức Hóa; sạt lở hai thôn 5, 8 (thị trấn Quy Đạt), Bãi Dinh (xã Dân Hóa), đồi Hà Vàng (xã Hưng Trạch)...; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ.

Các đơn vị, địa phương liên quan bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi khi mưa lũ xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra; kịp thời thông tin diễn biến của thời tiết để người dân chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn.

Võ Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm