![]() |
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương cùng phối hợp vận động các doanh nghiệp, đại lý thu mua hải sản lập các điểm bán cá an toàn (có chứng nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh). Đồng thời, các đơn vị liên quan tăng cường cán bộ đến các cảng cá phổ biến, hướng dẫn các đại lý, tàu cá, điểm bán hải sản xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn, giám sát hải sản an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tuyệt đối không để xảy ra việc thu gom, vận chuyển, tiêu thụ cá chết bất thường hoặc cá nghi bị nhiễm độc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức lực lượng thu gom, tiêu hủy cá chết dạt vào bờ nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Nhằm kịp thời hỗ trợ ngư dân ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết hàng loạt, UBND tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ khẩn cấp, tạm thời cho người dân. Tỉnh tạm ứng 500 tấn gạo từ nguồn dự trữ gạo quốc gia để hỗ trợ bước đầu cho ngư dân. Tỉnh cũng tạm ứng hơn 2,6 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ cho ngư dân có tàu khai thác gần bờ với mức 1 triệu đồng/tàu.
Từ giữa tháng 4/2016 đến nay, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, chưa xác định được nguyên nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và đặc biệt là Quảng Bình.
Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Bình, ước tính tổng thiệt hại liên quan đến khai thác, dịch vụ khai thác hải sản, nuôi trồng hải sản và nghề muối trên địa bàn tỉnh lên tới gần 175 tỷ đồng; số lao động trực tiếp bị ảnh hưởng là 15.000 người. Tình trạng cá biển chết hàng loạt cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh Quảng Bình; ước tính thiệt hại về du lịch khoảng 82 tỷ đồng; riêng trong tháng 4/2016, lượng khách du lịch đến Quảng Bình sụt giảm mạnh (43,7%).