Quảng bá vùng đất, con người Đồng Tháp qua Lễ hội Sen

Ngày 25/4, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo về Lễ hội Sen lần thứ II năm 2024, chủ đề “Rạng ngời sắc Sen”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Lễ hội diễn ra từ ngày 16 - 19/5 tại Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh, với khoảng 30 hoạt động.

Đây là sự kiện quy mô cấp tỉnh có nhiều hoạt động nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó, nổi bật như: Hội thảo quốc tế về sen; Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp; công bố lô hàng sen đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản; không gian trưng bày sen quốc tế; Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen; Phố ẩm thực Sen; không gian sáng tạo, trải nghiệm chủ đề sen; hoạt động bích họa sen...

vna_potal_dong_thap_phat_trien_nganh_hang_sen_gan_voi_van_hoa_du_lich_theo_huong_ben_vung_7264544.jpg
Vùng trồng sen ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Các đại cảnh, tiểu cảnh của lễ hội sẽ là không gian đặc sắc về sen, cùng các hoạt động hấp dẫn như: Thực hiện bản đồ từ sen lớn nhất Việt Nam; diễu hành áo dài sen, với sự tham gia của 5.500 phụ nữ Đồng Tháp; không gian sen với 66.000 chậu sen, với hơn 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách. Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024 quy tụ 250 gian hàng; không gian trưng bày chuỗi ngành hàng sen, giới thiệu khoảng 60 sản phẩm OCOP từ sen và trên 120 sản phẩm chế biến từ sen sẽ là nơi mua sắm thỏa thích dành cho người dân, du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Dịp này, tỉnh Đồng Tháp sẽ công bố bản đồ số về sen thể hiện khá đầy đủ về ngành hàng sen gồm: Các khu vực vùng trồng, địa điểm du lịch, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh về sen; diện tích vùng trồng, sản lượng, chủng loại... được tích hợp thành ứng dụng số có bản đồ chỉ đường chi tiết cho du khách.

Tại Lễ hội Sen lần này, Đồng Tháp sẽ công bố lô hàng sen đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản với sản phẩm củ sen tươi.

Hiện nay, diện tích trồng sen ở Đồng Tháp khoảng 1.800ha, trong đó, khoảng 100ha sen hữu cơ, cơ giới hóa hoàn toàn. Huyện Tháp Mười diện tích lớn nhất với 500ha, còn lại tập trung ở các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Tam Nông, Lấp Vò.

Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp chế biến với 120 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm. Trong đó 54 sản phẩm OCOP, một sản phẩm OCOP 5 sao.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thông qua Lễ hội Sen lần này, tỉnh mong muốn giới thiệu về văn hóa, du lịch địa phương, quảng bá tiềm năng vốn có để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế từ sen, liên kết phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, những người làm kinh tế sen, đưa ngành hàng sen phát triển xứng tầm vị thế, tiềm năng vốn có.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm