Quảng bá giá trị độc đáo các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang

Ngày 21/6 tại thành phố Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Liên hoan dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số lần thứ nhất năm 2024.

vna_potal_lien_hoan_dan_ca_dan_vu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_bac_giang_lan_thu_nhat__7442608.jpg
Tiết mục múa then của đoàn Lạng Giang. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm nhấn mạnh: Bắc Giang là nơi cư trú của nhiều tộc người như Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa... Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Giang, các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số mang âm hưởng, màu sắc vô cùng độc đáo, có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng và thông qua thực hành, truyền dạy di sản của các nghệ nhân- những “báu vật nhân văn sống” mà loại hình di sản này có sức sống lâu bền, trường tồn cùng với thời gian qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang và các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, trong đó có việc hướng dẫn, chỉ đạo, cổ vũ, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có trên 50 câu lạc bộ hát dân ca dân tộc thiểu số. Các câu lạc bộ này không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà còn biến di sản thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

vna_potal_lien_hoan_dan_ca_dan_vu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_bac_giang_lan_thu_nhat__7442623.jpg
Tiết mục hát song ca. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Do vậy, liên hoan lần này là hoạt động nhằm tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sâu rộng những giá trị sâu sắc, độc đáo của các loại hình nghệ thuật hát dân ca và các điệu múa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công là người dân tộc thiểu số trong tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; trao truyền các giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống trên quê hương Bắc Giang cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tham dự liên hoan có hơn 150 nghệ nhân, diễn viên, vũ công, nhạc công đến từ 5 huyện trong tỉnh gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Mỗi đoàn biểu diễn một chương trình nghệ thuật tổng hợp, gồm hai thể loại: Dân ca (hát đơn, song ca, tốp ca, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc... các làn điệu dân ca dân tộc thiểu số nguyên gốc hoặc được cải biên) và dân vũ (múa đơn, múa đôi, múa tập thể trên nền nhạc dân gian truyền thống).

vna_potal_lien_hoan_dan_ca_dan_vu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_bac_giang_lan_thu_nhat__7442611.jpg
Tiết mục thực hành then. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Với sự chuẩn bị công phu cùng hình thức sân khấu hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vũ công, nhạc công trong trang phục truyền thống của dân tộc mình đã thể hiện các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, con người Bắc Giang; ca ngợi truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc; thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước; tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của mỗi dân tộc, địa phương.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các phần trình diễn tại liên hoan đã tái hiện sống động những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Nhiều tiết mục được đầu tư bài bản, dàn dựng công phu, tính chuyên nghiệp cao.

vna_potal_lien_hoan_dan_ca_dan_vu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_bac_giang_lan_thu_nhat__7442603.jpg
Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia liên hoan. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức trao 2 giải A toàn đoàn cho huyện Sơn Động, Lục Ngạn; 3 giải B toàn đoàn cho các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Yên Thế. Đồng thời, trao giải xuất sắc và giải A, B, C cho các tiết mục; trao 2 giải phụ cho thí sinh cao tuổi nhất và thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia liên hoan.

Đồng Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm