Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông, Kon Tum và Tuyên Quang vào quý III/2024.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Cụ thể, Bộ sẽ tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Cùng với đó là lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể về nghề truyền thống đan lát của dân tộc Brâu, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Riêng tại Tuyên Quang sẽ có 2 lớp gồm: Tập huấn, truyền dạy bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sình ca người Cao Lan (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) ở thành phố Tuyên Quang; tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống và nghề dệt vải của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch tại huyện Lâm Bình.
Theo các nhà nghiên cứu, trang phục truyền thống người Pà Thẻn có sự kết hợp nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo, nhiều kiểu trang trí với màu đỏ là màu chủ đạo, kết hợp trắng và đen, xen kẽ hoa văn. Đồng bào còn kết hợp với trang sức bạc, khăn vấn đầu để tạo sự độc đáo. Đồng bào Pà Thẻn còn có Lễ hội nhảy lửa độc đáo và huyền bí. Do đó, huyện Lâm Bình đã chú trọng đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch như nghề dệt thổ cẩm, đan lát và thực hành nghi lễ nhảy lửa… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng. Đó cũng là cách thiết thực, phù hợp để đồng bào khôi phục các giá trị văn hóa, sản phẩm truyền thống gắn với phát triển sinh kế từ du lịch của cộng đồng.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức tập huấn, truyền dạy này sẽ góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tình hình mới. Đồng thời, các lớp học cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức văn hóa xã, đơn vị, hộ kinh doanh du lịch về quản lý văn hóa cơ sở; trang bị kiến thức cơ bản để tham mưu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
Đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ sẽ được nâng cao ý thức, niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong gia đoạn hiện nay.
Thanh Giang