Quảng bá du lịch Thái Nguyên tới thị trường miền Nam

Ngày 5/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quảng bá, giới thiệu về văn hóa, điểm đến và sản phẩm du lịch tỉnh Thái Nguyên tới thị trường miền Nam.

vna_potal_du_lich_thai_nguyen_xuc_tien_thi_truong_mien_nam_7308242.jpg
Đại diện sở, ngành, hiệp hội và Ban tổ chức chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN.

Theo đó, đại diện sở, ngành và doanh nghiệp du lịch, lữ hành địa phương đã cung cấp danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với kỳ vọng tìm kiếm cơ hội hợp tác khai thác phát triển tối đa tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần tăng lượng du khách đến với địa phương. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển du lịch.

vna_potal_du_lich_thai_nguyen_xuc_tien_thi_truong_mien_nam_7308247.jpg
Gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản Thái Nguyên bên lề Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN.

Hiện tại, ngành Du lịch Thái Nguyên tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính, là du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em.

vna_potal_du_lich_thai_nguyen_xuc_tien_thi_truong_mien_nam_7308246.jpg
Đại diện công ty lữ hành Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Thái Nguyên có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài và là vùng đất “Đệ nhất danh trà” có tài nguyên tự nhiên, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử. Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Một số doanh nghiệp du lịch - lữ hành tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ”, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái… Đây là những nguồn tài nguyên giá trị để địa phương phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch và du lịch liên kết vùng.

vna_potal_du_lich_thai_nguyen_xuc_tien_thi_truong_mien_nam_7308243.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN.

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiêm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa phương không ngừng nỗ lực thúc đẩy chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên và các tỉnh Đông Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như khu vực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, Thái Nguyên tăng cường hoạt động xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến với thị trường trong và ngoài nước. Do đó, trong khuôn khổ hội nghị lần này, bên cạnh giới thiệu những chương trình kích cầu du lịch, thu hút đầu tư, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh về liên kết phát triển du lịch.

Mỹ Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm