Ngành Du lịch Tây Ninh đã khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có; định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, tỉnh xác định được trọng điểm thu hút đầu tư, tập trung phát triển địa điểm du lịch chính tại Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen… nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch theo như kỳ vọng.
Chưa giữ chân du khách
Chị Nguyễn Hoàng Yến (ngụ tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, hằng năm, chị cùng gia đình đều tổ chức đi hành hương tại núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Khoảng hơn 3 năm gần đây, khi Tập đoàn SunGroup đầu tư vào núi Bà Đen, ngọn núi này gần như đã “lột xác”, hút khách du lịch gần xa. Tuy nhiên, sau nhiều lần trở lại Tây Ninh tham quan, các điểm du lịch nơi đây cũng không thay đổi nhiều; đặc biệt việc tìm kiếm các điểm vui chơi, các món ăn đặc sản của Tây Ninh ngày càng khó khăn hơn. Đa phần chị và gia đình sau khi hành hương đều trở về trong ngày, không lưu trú lại Tây Ninh.
Ông Phùng Thế Bảo (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Tây Ninh hiện chưa có các điểm du lịch về đêm đặc sắc để thu hút khách du lịch lưu trú. So với các điểm du lịch khác, việc chi tiêu khi tham quan tại Tây Ninh rất ít (chưa được 50% so với các điểm du lịch ở các tỉnh, thành phố khác). Ông Bảo cũng cho biết, năm 2022 ông từng lưu trú tại Tây Ninh một đêm, nhưng buổi tối cũng chỉ đi lang thang khu vực trung tâm thành phố Tây Ninh hóng mát, uống cà phê rồi về ngủ.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trần Thị Huy Hoàng, du khách đến Tây Ninh phần lớn quan tâm đến sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, với tâm điểm là Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Tỉnh còn thiếu các loại hình kinh tế ban đêm như chợ đêm; các khu vui chơi, giải trí, hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật có quy mô lớn, hiện đại... nên khó giữ chân du khách lưu trú dài ngày. Việc chi tiêu của du khách khi đến Tây Ninh chưa nhiều, doanh thu du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Trong 7 tháng năm 2023, du lịch Tây Ninh thu hút trên 3,7 triệu lượt khách tham quan, tăng 10,4% so cùng kỳ, đạt 74,2% so với kế hoạch; với tổng doanh thu du lịch 1.575 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ, đạt 87,5% kế hoạch năm 2023.
Tăng cường quảng bá điểm đến
Theo kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành vào tháng 8/2023, tỉnh sẽ có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Trần Thị Huy Hoàng cho biết, trong thời gian tới, điểm nhấn của du lịch Tây Ninh được tỉnh xác định là sản phẩm du lịch văn hóa gắn với Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển khu du lịch núi Bà Đen với nhiều sản phẩm đặc sắc, giữ vai trò trung tâm, có sức lan tỏa lớn, dẫn dắt phát triển du lịch các điểm đến toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong khẳng định, tỉnh xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh chọn Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen là trọng điểm đầu tư, tạo động lực lan tỏa cho du lịch của tỉnh. Mục tiêu năm 2025, núi Bà Đen đạt chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối, lan tỏa cho địa phương và vùng Đông Nam Bộ. Mục tiêu doanh thu du lịch giai đoạn 2026 - 2030 đạt 35.000 tỷ đồng, khách tham quan đạt 37 triệu lượt.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, theo ông Võ Đức Trong, Tây Ninh đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng môi trường du lịch; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển du lịch.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang nét đặc trưng văn hóa độc đáo của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tại các điểm đến, quyết tâm đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Song song đó, Tây Ninh định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm: Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng và Khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng của tỉnh Tây Ninh.
Địa phương giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các di tích cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Nghề làm bánh tránh phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh, Múa trống Chhay dăm, Lễ kỳ yên đình Gia Lộc, Lễ Vía bà Linh Sơn Thánh mẫu Núi Bà Đen... từ đó phát triển, triển khai thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo khách tham quan.
Đồng thời, tỉnh tổ chức các lễ hội, các sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi và tìm ra hướng đi mới cho ngành Du lịch của tỉnh; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch.
Tây Ninh đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới như: du lịch đường sông, du lịch sinh thái (Hồ Dầu Tiếng, Sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn), du lịch về nguồn, nhằm phát huy giá trị Vườn Di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Tỉnh tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour tuyến du lịch giữa các tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, nhằm đưa du lịch đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân khác nhau.
Tây Ninh tiếp tục mời gọi nhà đầu tư vào các dự án đầu tư du lịch, các cơ sở hạ tầng giao thông, các dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở vật chất du lịch để kết nối, bổ trợ cho Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Mục tiêu đến năm 2025, Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ.
Thanh Tân