Tại khu vực Tây Nguyên, vùng văn hóa đặc sắc được biết đến với những nét đặc trưng như không gian văn hóa cồng chiêng, những mái nhà rông, khu tượng nhà mồ, giọt nước... Nhưng cơn lốc đô thị hóa cũng đã phần nào phá vỡ quy hoạch các buôn làng truyền thống, kiến trúc trong làng bị lai tạp, pha trộn, đánh mất bản sắc riêng. Trước thực trạng đó, các buôn làng truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã và đang được định hướng quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát triển bằng nhiều giải pháp.
Chúng tôi đến thăm ngôi làng Ốp thơ mộng nằm ngay trong thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Theo tiếng Jrai bản địa, Plei là làng nên có thể gọi là làng Ốp hoặc Plei Ốp đều được. Dù ở ngay sát cạnh người Kinh của thành phố Pleiku, giao thoa, học hỏi những tinh hoa từ phố thị nhưng đồng bào dân tộc Jrai tại làng Ốp vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Ngoài những tiếp cận, ứng dụng văn hóa tiên tiến trong phát triển sản xuất, cộng đồng Plei Ốp vẫn luông khuyến khích đồng bào duy trì tập tục sinh hoạt, trang phục và sản xuất theo phong tục tập quán cổ truyền, chú trọng phát triển hình thức nhà vườn, không gian xanh. Đồng thời, người dân đầu tư kinh phí cho quy hoạch xây dựng làng truyền thống; xây dựng làng thành khu dân cư có nếp sống văn hóa, văn minh.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Pleiku, Gia Lai, cho biết, ở thành phố Pleiku, địa phương luôn quan tâm đến việc giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc sống trong nó. Đặc biệt, ngành văn hóa Gia Lai rất chú trọng giữ gìn và bảo tồn nhà Rông truyền thống, các giọt nước, truyền dạy cồng chiêng, phát huy các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát. Các hoạt động văn hóa trên được cụ thể hóa bằng các cuộc thi từ cơ sở lên đến cấp tỉnh và trung ương nhằm động viên tinh thần nghệ nhân truyền dạy cũng như khích lệ thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, để người dân có động lực gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng như trên thì chính quyền địa phương đã lồng ghép việc bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Thông qua đó, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa, sinh hoạt hằng ngày cùng người dân bản địa tại các làng trong phố, qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập, gìn giữ được các nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Ngoài ra, việc bảo tồn số lượng bộ cồng chiêng, duy trì và phát triển các đội cồng chiêng, nghề dệt vải, tạc tượng để truyền dạy cho lớp trẻ cũng được các nghệ nhân đặc biệt chú trọng.
Dưới mái nhà rông làng Ốp, già làng Siu Núi đang miệt mài hướng dẫn từng nhịp gõ của chiếc cồng, chiếc chiêng cho tốp thanh niên trong làng. Âm thanh độc đáo của nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên giờ đây không chỉ vang vọng giữa núi rừng, mà ngay giữa đô thị sầm uất của thành phố Pleiku. Đây là kết quả của nỗ lực giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người dân làng Ốp, thích ứng nhưng không hòa tan.
Già làng Siu Núi, làng Ốp, thành phố Pleiku, Gia Lai, cho hay, đối với thế hệ xưa của ông đã như "tre già", cần truyền dạy văn hóa của dân tộc cho lớp măng non để sau này có thế hệ kế cận, không làm mất đi văn hóa dân tộc. Sống trong phố, học hỏi những tinh hoa nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc mới là điều khó. Nhưng cộng đồng người dân đã làm được, Plei Ốp vừa bắt kịp nhịp phát triển của xã hội nhưng vẫn là một mẫu làng người dân tộc Jrai đặc trưng với những nét văn hóa không dễ lai tạp.
Vừa gõ những nhịp chiêng theo hướng dẫn của già làng Siu Núi, em Puih Thông, 16 tuổi, làng Ốp, thành phố Pleiku, Gia Lai, phấn khởi cho biết, em cảm thấy rất vui vì làng Ốp vẫn gìn giữ và bảo tồn được nét văn hóa riêng ngay trong lòng thành phố này. Mơ ước của em là sau này em sẽ học ngành kiến trúc thiết kế để có thể về xây dựng Plei Ốp đẹp hơn, khang trang hơn dựa trên các kiến trúc riêng của người Jrai như nhà sàn, nhà rông, giọt nước...
Năm 2008, thành phố Pleiku đã quyết định đầu tư xây dựng Plei Ốp trở thành làng văn hóa du lịch và đầu tư sửa chữa nhà rông, mở rộng hệ thống đường làng, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng..., nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa bản địa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hoạt động du lịch tại Plei Ốp chưa khai thác được hết tiềm năng. Năm 2020, Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai đã có đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng Plei Ốp với mong muốn đưa nơi đây trở thành điểm nhấn du lịch cộng đồng của thành phố Pleiku, Gia Lai, nhằm giúp đồng bào có thêm thu nhập thông qua hoạt động du lịch cộng đồng, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách hài hòa.
Hồng Điệp