Không khí Xuân đang tràn về trên khắp các thôn, làng và cả những vùng biên viễn của miền đất đỏ bazan Gia Lai nắng gió. Dịp này, lực lượng quân đội phối hợp với những người có uy tín trong thôn, làng tích cực tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2020 cho bà con vùng biên giới tỉnh Gia Lai.
Phát huy vai trò người có uy tín trong thôn, làng
Những thời điểm dịp lễ, Tết cận kề, các già làng, trưởng thôn, trưởng bản hay những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số sống tại vùng biên giới tỉnh Gia Lai lại bận rộn họp làng, thậm chí đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng pháp luật. Điển hình như việc không đốt pháo, không vượt biên hay buôn hàng lậu qua tuyến biên giới hoặc việc chấp hành nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19, không tập trung đông người để hạn chế việc lây lan dịch bệnh...
Tại xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, già làng Siu Deo ở làng Mook Đen 2 là một tấm gương sáng trong công tác giữ gìn đường biên giới. Theo già Siu Deo, thời điểm này là dịp Tết đến, Xuân về nên công tác tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh trật tự được đội ngũ người có uy tín đẩy mạnh hơn qua hoạt động của các tổ tuyên truyền. Đồng thời, công tác phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới được tăng cường. Khi phát hiện người nhập cảnh trái phép, tổ tuyên truyền sẽ báo ngay cho lực lượng chức năng để phòng dịch xâm nhập, giữ cho dân làng có một mùa Xuân đoàn viên và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Già làng Ksor Kon, làng Dăng, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, cho hay, ban ngày người dân lên rẫy lao động, nên tổ tuyên truyền phải đợi vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi họ trở về nhà mới đến vận động, tuyên truyền về các nội dung hướng dẫn ăn Tết an toàn. Ngoài việc tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Kinh - Jrai, đội ngũ người uy tín trong làng còn dán panô, băng rôn, áp phích để thông tin đến người dân về diễn biến của dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, tránh.
Ngoài ra, với đặc thù là xã biên giới tiếp giáp với huyện Andoung Meas (tỉnh Ratanakiri, Campuchia), nhiều hộ dân có đất sản xuất tại khu vực đường biên, cột mốc và một số gia đình có quan hệ thân tộc với người dân bên kia biên giới nên thường xuyên qua lại canh tác, sản xuất và thăm thân. Vì thế, những ngày này, già làng Ksor Kon còn cùng với tổ tuyên truyền đến từng hộ gia đình vận động người dân không đưa đón người ở Campuchia hoặc người từ vùng dịch trở về bất hợp pháp, bằng việc ký cam kết thực hiện và dán ngay trước cửa nhà.
Ông Ksor Thanh, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, cho biết người dân trong làng ai cũng sợ dịch bệnh, nên khi được già làng tuyên truyền, phát giấy cam kết phòng, chống dịch để ký thì đều đồng lòng. Xuân này, ai ở nhà nấy, nếu có gặp nhau cũng phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, xịt khuẩn đầy đủ, để đảm bảo cho làng mình có một cái Tết trọn vẹn.
Bộ đội bám làng giữ gìn Xuân biên giới
Tại những ngôi làng vùng biên giới Gia Lai, ngoài số người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây, thì còn có đội ngũ bộ đội cũng ngày đêm gìn giữ vùng đất biên cương Tổ quốc. Những dịp Tết đến, Xuân về, những người lính nơi biên giới tỉnh Gia Lai căng mình ngày đêm vất vả nơi tuyến đầu không chỉ giữ gìn an ninh - quốc phòng nơi biên giới, đồng thời phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch để người dân có một cái Tết yên vui.
Thượng úy Đỗ Ngọc Cường, Chốt trưởng Chốt số 3 thuộc Đồn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, chia sẻ quyết tâm: "Tết đến Xuân về là dịp đoàn viên nên hầu hết cán bộ, chiến sĩ ở đây rất nhớ nhà. Tuy nhiên, với tinh thần và trách nhiệm trên vai, chúng tôi đều cố gắng để bảo vệ bình yên cho bà con ở tuyến biên giới. Đặc biệt, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 để bà con có thể đón một năm mới yên vui, an toàn.
Ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng là tấm lá chắn thép gìn giữ biên cương Tổ quốc, thời gian gần đây do áp lực về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuyến biên giới, nên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã tăng cường lực lượng cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 4 đợt với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại 27 chốt trên khu vực biên giới của tỉnh.
Ròng rã hơn 6 tháng nay trên biên giới, đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, xa gia đình, thiếu thốn vật chất sinh hoạt, nhưng cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại các chốt đều an tâm tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các anh đều tình nguyện tiếp tục ở lại để cùng đồng tâm hiệp lực với lực lượng Biên phòng và các ngành chức năng kiểm soát, quản lý chặt biên giới.
Theo Ban Chỉ huy quân sự huyện Ia Grai, từ đầu năm 2021, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Tổ tuyên truyền lưu động trên tuyến biên giới vận dụng nhiều hình thức, biện pháp. Trong quá trình tuyên truyền, lồng ghép nội dung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Quy định tạm thời, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đến nay, tại các xã biên giới của huyện đều có hơn 95% hộ gia đình đã ký cam kết bảo vệ biên giới, chống vượt biên, xâm nhập trái phép, bước đầu được nhân dân đồng tình, cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Bà Nguyễn Thị Lành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Grai cho biết, thời gian qua, lực lượng vũ trang đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, góp phần quan trọng vào thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, cũng như bảo vệ tuyến biên giới nói chung. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu cần mẫn, thân thuộc đã để lại dấu ấn tốt trong lòng người dân trên tuyến biên giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mùa Xuân mới đang tràn về khắp đất trời Tổ quốc. Nơi vùng biên viễn nắng gió Tây Nguyên luôn hiện hữu tình cảm quân - dân tốt đẹp, mọi người đồng lòng vượt qua đại dịch, đoàn kết cùng nhau hướng đến một mùa Xuân mới hạnh phúc, bình an.
Hồng Điệp