Toàn tỉnh Phú Yên có nhiều sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ làng nghề truyền thống, đặc sản nổi tiếng ở các địa phương. Để tiếp tục nâng tầm giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại chất lượng cao và mẫu mã đẹp.
Xây dựng thương hiệu sản vật miền núi
Huyện Sông Hinh có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất tỉnh Phú Yên với khoảng 800 ha, sản lượng trung bình đạt 6.000 tấn/năm. Hiện nay, địa phương vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm sầu riêng Sông Hinh nên chưa phát huy hết tiềm năng và giá trị của loại sản phẩm này. Vì vậy, việc tạo lập nhãn hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng tầm giá trị sầu riêng Sông Hinh đang được UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tâm triển khai thực hiện.
Ông Cao Nguyên Lâm (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) cho biết, những năm qua, cây sầu riêng phát triển tốt, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, khi sầu riêng có giá cao, người dân ồ ạt trồng dẫn đến tình trạng rớt giá, đầu ra không ổn định. Hiện ông đang tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây sầu riêng phát triển, đạt năng suất cao. Ông cũng hy vọng cơ quan chức năng giúp người dân xây dựng thương hiệu riêng và trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã triển khai đề tài khoa học kỹ thuật “Tạo lập, quản lý và phát triển chứng nhận sầu riêng Sông Hinh dùng cho sản phẩm sầu riêng huyện Sông Hinh”. Mục tiêu của đề tài là xây dựng một thương hiệu riêng cho cây sầu riêng Sông Hinh; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác thông tin đối với nhãn hiệu sầu riêng Sông Hinh nhằm phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển cây sầu riêng trên địa bàn.
Huyện Sông Hinh hiện có 25 sản phẩm của 18 hộ kinh doanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao, tập trung chủ yếu tại thị trấn Hai Riêng và các xã thuộc khu vực I của huyện. Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu nước và thiếu đất sản xuất. Do vậy việc xây dựng sản phẩm OCOP từ sản vật địa phương còn nhiều trở ngại. Người dân tham gia các tổ hợp tác, nhóm cộng đồng để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh còn lúng túng. Đây cũng là khó khăn chung trong việc xây dựng sản phẩm OCOP tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên.
Ông Nguyễn Hải Triều - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên chia sẻ, hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP miền núi gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Người nông dân cũng thiếu kỹ năng kinh doanh và tính liên kết trong hoạt động sản xuất. Các sản phẩm hầu như chưa được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tại khu vực miền núi; trong đó tập trung vào kỹ năng xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Địa phương cũng tăng cường liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nâng hạng cho sản phẩm OCOP
Sau khi các sản phẩm bột hạt sen, hạt sen sấy khô và tim sen sấy khô liên tiếp đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng mới, mở rộng vùng liên kết sản xuất, mua thêm máy móc để nâng cao sản lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện hợp tác xã này đang trình hồ sơ chờ hội đồng thẩm định xét nâng hạng sản phẩm bột hạt sen Hòa Đồng lên OCOP 4 sao.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng, để đạt chuẩn OCOP 4 sao, sản phẩm phải đạt nhiều tiêu chí như sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương, có liên kết vùng nguyên liệu, có đầy đủ năng lực về sản xuất, đáp ứng thị trường, sản phẩm phải nổi trội, đặc sắc... Dù có nhiều khó khăn nhưng hợp tác xã vẫn quyết tâm thực hiện và đạt trong thời gian tới, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thị xã Sông Cầu có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Từ năm 2023 đến nay, với những tiêu chuẩn được quy định tại Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, địa phương vẫn chưa xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP 4 sao trở lên.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lâm Duy Dũng cho biết, với quyết tâm nâng tầm giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương, UBND thị xã đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP 3 sao tiềm năng như Nước mắm Bà Mười, rượu Quán Đế, cá ngừ cắt khúc… hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, nâng hạng lên 4 sao. Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở tham gia chương trình OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại hướng đến đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.
Từ khi triển khai xây dựng Chương trình OCOP năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 350 sản phẩm OCOP; trong đó có 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao. Nhận thấy giá trị từ chương trình mang lại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã phấn đấu hoàn thiện sản phẩm để được nâng hạng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo bà Đặng Thị Thủy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, việc đạt chuẩn OCOP 4 sao sẽ tạo thuận lợi trong quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh đã được xuất khẩu ra thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Australia, Ấn Độ... Ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với sở, ngành liên quan và địa phương rà soát, lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, mang đặc trưng vùng miền để lập hồ sơ đạt chuẩn OCOP 4 sao và hướng đến OCOP 5 sao trong thời gian tới.
Tường Quân