Phú Thọ khống chế, ngăn ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo

Phú Thọ khống chế, ngăn ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo

Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, thời tiết nắng nóng tới đây sẽ tạo môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát, nhất là vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 sẽ là đỉnh điểm bùng phát mạnh nhất. Để kịp thời phòng, chống, khống chế ổ dịch, ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh dại trên địa bàn tỉnh, ngành đang huy động tất cả các lực lượng vào cuộc triển khai.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, đầu tháng 3/2023, tại hộ gia đình ông Bùi Văn Công khu Mu Vố, xã Mỹ Thuận, phát hiện trường hợp chó ốm cắn người. Nghi mắc bệnh dại, Phòng đã phối hợp với UBND xã Mỹ Thuận thực hiện điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dại. Trước đó, tại khu Nà Nờm xã Thu Ngạc và khu Chiền 2 xã Thu Cúc huyện Tân Sơn cũng xuất hiện các trường hợp chó ốm và đã cắn ba cháu nhỏ, qua lấy mẫu xét nghiệm của chó đã cho kết quả 2 mẫu dương tính với bệnh dại.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn cho biết, từ tháng 3/2023 cho đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện hai ổ dịch bệnh dại tại xã Thu Cúc, Mỹ Thuận. Hiện tình hình dịch bệnh dại tại địa bàn huyện đang diễn biến khá phức tạp, sự lưu hành mầm bệnh tại các địa phương trong huyện là rất cao, ảnh hưởng tới sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Hiện nay huyện Tân Sơn đã chỉ đạo tất cả các lực lượng đều vào cuộc; trong đó yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan, các xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh của xã, khu dân cư về tình hình bệnh dại trên địa bàn.

Huyện cũng yêu cầu, tất cả các cơ quan chuyên môn và các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là dịch bệnh dại; báo cáo ngay UBND huyện khi phát hiện trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để thực hiện việc điều tra, lấy mẫu kiểm tra. Đồng thời quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi, lập sổ sách quản lý chó nuôi trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi chó phải đăng ký nuôi chó và ký cam kết thực hiện “5 không”: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương, không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại, không nuôi chó thả rông, không để chó cắn người, không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng theo quy định của Nhà nước.

Riêng đối với xã Mỹ Thuận, xã Thu Ngạc là các xã mới phát sinh ổ dịch bệnh dại tiến hành rà soát các trường hợp người, động vật có tiếp xúc với chó mắc bệnh dại, yêu cầu người bị chó cắn, cào đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng; vận động, khuyến khích chủ hộ tiêu hủy chó đã tiếp xúc với chó mắc bệnh dại, trường hợp không tiêu hủy thì phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát hiện bệnh dại phải tiêu hủy theo quy định; theo dõi tình hình sức khỏe của trường hợp bị chó cắn. Tại khu có dịch, yêu cầu người dân xích nhốt, theo dõi đàn chó trong thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch 14 ngày, nếu phát hiện chó phát bệnh dại thực hiện tiêu hủy ngay. Tiến hành rà soát, thống kê chính xác số chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin dại hoặc đã tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch để tổ chức tiêm phòng xong trước tháng 3/2023; yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn trên địa bàn; nếu tỷ lệ tiêm phòng thấp, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện.

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện ổ dịch bệnh dại đã bắt đầu xuất hiện và bùng phát mạnh tại nhiều địa như huyện Tân Sơn, huyện Thanh Thủy, huyện Thanh Ba và thành phố Việt Trì. Qua công tác lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan Thú y của tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 50 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo tại các địa phương này. Nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng dại vẫn còn thấp, ý thức trách nhiệm của người nuôi còn hạn chế. Hiện tỉ lệ tiêm phòng đến nay chỉ đạt khoảng 20% tổng số đàn chó, mèo.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của các ổ dịch bệnh dại, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Ngành nông nghiệp đã đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí mua đủ vaccine đảm bảo tiêm phòng cho 100% tổng đàn chó mèo. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng đã chuẩn bị đủ kháng huyết thanh điều trị cho 100% người bị phơi nhiễm với bệnh dại.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, để kịp thời phòng, chống, khống chế ổ dịch, ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh dại trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế xử lý 100% các trường hợp phát hiện phơi nhiễm đúng kỹ thuật; đảm bảo đủ vaccine, kháng huyết thanh điều trị cho 100% người bị phơi nhiễm với bệnh dại.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, xã triển khai kịp các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại các xã có dịch. Tổ chức tiêm phòng vaccine dại bổ sung tại các ổ dịch. Hàng năm, tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng định kỳ 02 đợt/năm trên toàn địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo tiêm phòng bổ sung tại 13 điểm tư vấn, tiêm phòng vaccine dại. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh nông tỷ lệ chó, mèo được tiêm vaccine dại tại xã, phường, thị trấn đạt trên 75% tổng đàn; giám sát, điều tra, xử lý 100% ca bệnh dại phát hiện ở người và động vật; đảm bảo đến cuối năm 2025, 100 % số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; 100% người phát hiện phơi nhiễm được tư vấn, điều trị dự phòng; giảm 50% số ca tử vong so với giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ giám sát, lập báo cáo điều tra đối với 100% số trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh dại; triển khai lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp chó nghi mắc bệnh dại cắn người hoặc tại các ổ dịch bệnh dại động vật; hằng năm, tổng hợp dữ liệu, lập bản đồ dịch tễ bệnh dại trên người và động vật để xác định khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh dại nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng chống bệnh dại; Hàng năm tổ chức 02 đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn chó, mèo nuôi vào tháng 3-4 và tháng 9-10. Hỗ trợ 100% chi phí tiền vaccine dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo tại các xã có có phát sinh ổ dịch bệnh dại trên động vật và các xã tiếp giáp…

Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm