Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và một số đơn vị phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 và mít tinh nhân Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9). Hội nghị được nối trực tuyến với các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố và nhiều đơn vị liên quan.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh dại ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm virus dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi. Mỗi năm có khoảng 29 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh dại và phải điều trị dự phòng, gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ USD. Ở châu Á, mỗi năm có khoảng 26 triệu người được điều trị dự phòng sau phơi nghiễm, trong đó riêng Trung Quốc là 15 triệu người.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, bệnh dại nguy hiểm nhưng có thể phòng, chống bằng cách tiêm vaccine phòng dại cho động vật và người mới bị chó, mèo cắn. Với những nỗ lực đáng kể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, chính quyền UBND các cấp, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thực thi các giải pháp phòng, chống bệnh dại.
Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, số ca bệnh dại trên người hàng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011-2016. Việc quản lý đàn chó, mèo được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố. Có 23/63 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc bệnh dại trên người liên tiếp trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Cả nước đã xây dựng được 14 vùng an toàn dịch bệnh bệnh dại. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng từ 38,5% lên 49,2%...
Tuy nhiên, với tổng số đàn chó nuôi lớn, hiện có khoảng 7,5 triệu con, nguy cơ bệnh dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, mặc dù đã xuất hiện từ 80-100 năm trước và có vaccine hiệu quả nhưng bệnh dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, ngoại trừ tử vong do bệnh sởi năm 2014 và tử vong do COVID-19 thời gian qua. Giai đoạn 2017-2021, dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống bệnh dại nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại. Số ca tử vong do bệnh dại hàng năm có giảm nhưng chưa bền vững, số địa phương có bệnh dại chưa giảm so với giai đoạn 2011-2016. Nguyên nhân là do việc quản lý đàn chó và tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống dại cho đàn chó tại nhiều địa phương còn thấp. Việc tiếp cận vaccine điều trị dự phòng tại khu vực biên giới, vùng sâu, xa còn khó khăn, đồng thời nhận thức của một bộ phận người dân về bệnh dại còn hạn chế...
Dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 hướng tới mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan nỗ lực truyền thông cộng đồng, tăng cường quản lý và tiêm vaccine cho đàn chó, mèo nuôi, đồng thời đảm bảo tất cả những người bị chó cắn phải được tiêm vaccine...
Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại năm nay có chủ đề "Bệnh dại: Hãy hiểu biết, đừng sợ”. Tại lễ mít tinh, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức, thực hành phòng, chống bệnh dại để cứu sống con người; tăng cường phối hợp liên ngành trong giám sát, báo cáo dịch bệnh, hợp tác có hiệu quả để chung tay đẩy lùi bệnh dại, tiến tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Ngọc Bích