Ngày 21/9. tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu.
Dịch sốt xuất huyết có thể phức tạp hơn
Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%.
Hiện không có sự bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng số mắc các tuần gần đây cơ bản cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao từ tuần 30 trong năm và đang tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể phức tạp hơn.
Ba tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, BìnhThuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo các chuyên gia, số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý người dân không tự điều trị bệnh, tránh các biến chứng nặng và hậu quả đáng tiếc xảy ra.
81,3% ca mắc bạch hầu do không tiêm chủng
Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu.
Điều tra dịch tễ cho thấy, trong 198 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), trong đó 4 tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1).
So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 33 tử vong), số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020.
Số mắc từ 3 tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.
Theo Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, các xã có ổ dịch đa số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc-xin. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Chỉ có loại vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố mới gây bệnh bạch hầu. Người lành mang trùng có thể từ vài ba ngày đến vài tuần, thậm chí kéo dài tới 6 tháng. Bệnh xảy ra cả ở trẻ em và người lớn, thường xuất hiện ở những cộng đồng dân cư có tỷ lệ tiêm chủng thấp (vùng lõm tiêm chủng).
Bệnh bạch hầu đã có vắc-xin phòng bệnh, tiêm phòng vắc-xin đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vắc-xin bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả.
Kiên quyết không để “dịch chồng dịch”
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Công tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 được thực hiện hiệu quả. Năm 2020, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều bệnh truyền nhiễm khác diễn biến ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn tại cộng đồng, không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A khác. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương; ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng có hiệu quả, nhưng còn có hạn chế cần được giải quyết.
Dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như: cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc…
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị toàn ngành kiên quyết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để “dịch chồng dịch” ở bất kỳ địa phương nào. Bên cạnh đó, các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh và kiên quyết ngăn chặn nguồn lây một cách có hiệu quả. Đồng thời đề nghị các chuyên gia, cán bộ quản lý tập trung phân tích, đánh giá kỹ tình hình, nguy cơ bùng phát dịch của từng vùng, từng địa phương trong cả nước, làm rõ nguyên nhân tồn tại, vướng mắc. Trên cơ sở đó đề xuất nội dung hoạt động trọng tâm, đề ra giải pháp vừa phòng chống COVID-19, vừa tập trung phòng chống sốt xuất huyết, bạch hầu và các dịch bệnh khác…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý công tác thông tin truyền thông về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, tập quán của người dân; cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện…; có biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, xóa vùng lõm trong tiêm chủng. "Dịch bạch hầu ở Tây Nguyên thời gian qua, đa số các ca bệnh đều xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng. Vì thế phải giải quyết được vùng lõm trong tiêm chủng, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả..."- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Tại Hội nghị, các cán bộ y tế tại hơn 700 điểm cầu đã nghe các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu, bệnh sốt xuất huyết; cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở người và phác đồ điều trị bệnh bạch hầu. Đồng thời nghe về Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng…
Bích Thủy