Cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên (Bài 1)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng 10/7, khu vực Tây Nguyên gồm 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk đã xuất hiện dịch bệnh bạch hầu và 3 người đã tử vong vì dịch bệnh này. Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách. Hiện dịch bệnh có xu hướng phát triển khó lường và dự báo sẽ có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - “vùng lõm” về tiêm chủng. Trước tình hình này, phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện 2 bài phản ánh về diễn biến và các giải pháp cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên.

Cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên (Bài 1) ảnh 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Diễn biến dịch bệnh khó lường 

Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 10/7, toàn vùng Tây Nguyên ghi nhận 69 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (Đăk Nông 25 ca, Kon Tum 24 ca, Gia Lai 19 ca và Đăk Lăk 1 ca) và đã có 3 ca tử vong. Hiện diễn biến dịch bệnh bạch hầu toàn vùng Tây Nguyên đang có xu hướng khó lường, không theo quy luật thông thường trước đây, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng quan tâm, tỷ lệ người mắc bệnh bạch hầu không chỉ ở lứa tuổi dưới 7 tuổi mà đã lan rộng ra mọi độ tuổi với gần 90% hơn 7 tuổi.

Nguyên nhân bùng phát dịch bạch hầu ở Tây Nguyên

Theo ghi nhận của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong vòng 7 năm trở lại đây, 92% người mắc bệnh bạch hầu đều là người dân tộc thiểu số, tức những người ở vùng sâu, vùng xa, “vùng lõm” về tiêm chủng.

Đắk G’long là địa phương của tỉnh Đăk Nông có số bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu nhiều nhất và cũng là địa phương ghi nhận 2 trường hợp tử vong do mắc bạch hầu ác tính. Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, ghi nhận thực tế cho thấy, các ca bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người H’Mông ở hai huyện Đắk G’Long và Krông Nô. Tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu tại các khu vực phát hiện bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu đều thấp hơn các vùng khác. Tại các khu vực ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, vấn đề vệ sinh môi trường cũng còn hạn chế, nhiều khu vực người dân sinh sống tập trung thành các cụm dân cư, nhưng các vấn đề về nước sạch, nhà vệ sinh… đều chưa đảm bảo. Ổ dịch tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp là ổ dịch mới nhất của tỉnh Đắk Nông cũng có tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu chỉ mới đạt 40 – 50%. Vấn đề vệ sinh môi trường chưa được tốt.

Tại tỉnh Kon Tum, từ năm 2016, tình hình dịch bệnh bạch hầu đã diễn biến phức tạp, với hơn 30 người mắc bệnh. Đặc biệt, trong các năm 2016 và 2018 đều có trường hợp tử vong (2016 có 1 trường hợp tử vong ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông; năm 2018 có 2 trường hợp tử vong ở huyện Đăk Hà và Đăk Tô). Theo bác sỹ Võ Văn Hùng, phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật và Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng bệnh bạch hầu bùng phát là bởi những người trước đây chưa được tiêm chủng hoặc đã tiêm chủng nhưng đã quá lâu, không còn đảm bảo nên không thể tạo ra miễn dịch trong cộng đồng. Trong khi đó, những đối tượng người lành mang trùng rất khó xác định, trừ khi tiến hành khám và xét nghiệm đồng loạt mới phát hiện ra. Những trường hợp này không phát bệnh, vẫn sinh sống và làm việc bình thường nên có khả năng cao lây bệnh ra cộng đồng.

Trao đổi về nguyên nhân bùng phát dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến cho rằng, những trường hợp mắc bạch hầu tại Tây Nguyên trong năm 2020, tính theo độ tuổi hơn 90% rơi vào nhóm trên 7 tuổi, vì đặc điểm của bạch hầu khi tiêm vắc xin phòng bệnh chỉ tạo được kháng thể bảo vệ trong 7 năm và phải tiêm nhắc lại vào lúc 12 tuổi và 18 tuổi. Để kéo dài miễn dịch bệnh bạch hầu đối với trẻ 7 tuổi, Chính phủ đã đồng ý đưa thêm một liều tiêm vắc xin bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, chủ trương này mới được thực hiện trong 2 năm nên hiện vẫn chưa phát huy hết hiệu quả trong phòng bệnh bạch hầu.

Đặc thù của các tỉnh Tây Nguyên là có nhiều “vùng lõm” trong tiêm chủng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, đây là những vùng dễ bùng phát bệnh và lây lan nhanh ra cộng động khi gặp phải tác nhân gây bệnh. Thực tế cho thấy, tại các “vùng lõm”, tỷ lệ tiêm chủng không đạt 100%, do đó sẽ không tạo ra miễn dịch trong cộng đồng. Vì vậy, khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ dẫn đến xuất hiện ca bệnh và bệnh bạch hầu đang xuất hiện và bùng phát mạnh tại Tây Nguyên một phần xuất phát từ nguyên nhân trên.

Nâng cao trách nhiệm của người dân về phòng chống dịch bệnh

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim, tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Do đó, việc phòng, chống bệnh bạch hầu không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hợp tác tích cực, tin tưởng tuyệt đối từ phía người dân.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk - ổ dịch bạch hầu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2020. Ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh bạch hầu trong buôn, hơn 160 hộ dân với trên 700 khẩu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk đã hợp tác tốt với ngành Y tế và chính quyền địa phương trong việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu, uống thuốc kháng sinh dự phòng và khử trùng toàn bộ khu vực sinh sống.

Bà H’ Đối Buốc, Bí thư Chi bộ buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk cho biết: Sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, người dân trong buôn đã chủ động cách ly tại gia đình, hạn chế việc đi lại, tiếp xúc với các vùng khác; đồng thời, tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh của cán bộ y tế. Người dân trong buôn đã tích cực hợp tác trong khai báo dịch tễ để lấy mẫu xét nghiệm, những người có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng tự giác khai báo để được xử lý y tế tại chỗ.

Cấp bách ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên (Bài 1) ảnh 2 Chính quyền địa phương tổ chức cách ly tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk để phòng, chống bệnh bạch hầu lây lan. Ảnh: TTXVN

Chị H’Pha Jiê chia sẻ, khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về tình hình ca bệnh bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, người dân trong buôn cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế giải thích và tuyên truyền về biện pháp phòng bệnh, người dân đã yên tâm. Đặc biệt, người dân trong buôn đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu, trẻ em cũng được tiêm vắc xin nên nhân dân yên tâm phần nào và tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh của cán bộ y tế để đẩy lùi dịch bệnh.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy đang là địa phương có số ca bệnh bạch hầu nhiều nhất tỉnh, với 6 trường hợp đang được cách ly và điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện.

“Để người dân thực hiện đúng các quy trình phòng, chống bệnh, chính quyền địa phương đã cắt cử cán bộ xuống từng hộ dân mỗi buổi sáng, để nhắc nhở cũng như giám sát việc uống thuốc phòng bệnh theo đúng quy định. Bên cạnh đó, để tránh gây hoang mang cho người dân, chúng tôi cũng tổ chức các chuyến xe lưu động thông báo cho nhân dân về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng tránh. Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu chính là nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với các biện pháp trên, đến nay ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, nhất là trong việc vệ sinh cá nhân, nhà cửa và các khu vực xung quanh”, ông Dương Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho biết. (còn tiếp)

Nhóm phóng viên TTXVN tại Tây Nguyên

TTXVN

Có thể bạn quan tâm