Chiều 9/7, tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai), Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân và Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu trong toàn khu vực Tây Nguyên, nhằm ứng phó với tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến hết sức phức tạp. Dự kiến, sẽ có khoảng 10 triệu liều vắc-xin cung cấp cho 4 địa phương thực hiện chiến dịch với hơn 4,7 triệu người được tiêm chủng.
Phát biểu tại lễ phát động, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, bên cạnh các kết quả đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam cũng không lơ là trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
“Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch như: Cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, tiếp xúc để tổ chức cách ly; điều trị cho người mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ"- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo kế hoạch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được công bố tại lễ phát động, việc tiêm phòng tại khu vực Tây Nguyên cơ bản sẽ được tiến hành từ ngày 9/7/2020 đến hết tháng 3/2021, chia làm nhiều nhóm tuổi và giai đoạn.
Với nhóm trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi, lực lượng chức năng sẽ rà soát kỹ các trường hợp tiêm sót và thiếu mũi, để tiêm vắc-xin SII nhằm đảm bảo đủ 3 mũi, trong đó có thành phần phòng bạch hầu.
Nhóm từ 13 đến 18 tháng tuổi sẽ được tiêm ngay một mũi SII, không chờ đến đủ 18 tháng.
Ở nhóm từ 19 đến 48 tháng tuổi, trẻ chưa tiêm đủ 4 mũi theo quy định sẽ được tiêm phòng mũi DPT.
Trẻ trong nhóm 7 tuổi được tiêm ngay 2 mũi vắc-xin Td theo quy định.
Cũng theo kế hoạch, trong hai tháng 7 và 8/2020, việc tiêm phòng được thực hiện tại 11 huyện, thị có bệnh bạch hầu từ năm 2019 trở lại đây.
Tháng 9 đến tháng 11/2020, lực lượng chức năng sẽ triển khai tiêm tại 19 huyện, thị có bệnh bạch hầu từ năm 2013 trở lại đây.
Từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, người dân tại 20 huyện, thị sẽ tiêm đồng loạt, ưu tiên các buôn làng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Giai đoạn 4 (tháng 3/2021): rà soát các đối tượng còn lại, tiêm lồng ghép trong quá trình tiêm chủng mở rộng.
Đây là chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu với quy mô lớn. Chiến dịch thực hiện ở bốn tỉnh Tây Nguyên bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, với đối tượng là tất cả những người từ hai tháng tuổi trở lên. Mục tiêu chung của chiến dịch là bảo đảm ít nhất 90% các đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vắc-xin chứa thành phần bạch hầu bảo đảm an toàn.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính tới ngày 8/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tỉnh Đắk Nông có 27 ca; tỉnh Gia Lai có 16 ca; Kon Tum có 24 ca bệnh. Hiện đã ghi nhận ba trường hợp tử vong là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) và được phát hiện muộn.
Về độ tuổi của người mắc bạch hầu, dưới 1 tuổi có 3 trường hợp; từ 1-7 tuổi có 8 trường hợp; từ 7 đến 40 tuổi là 37 trường hợp, trên 40 tuổi có 5 trường hợp.
Xem xét tiền sử tiêm chủng của người mắc bệnh cho thấy, đa số các trường hợp đều không được tiêm vắc-xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.
Quang Thái