Với bờ biển dài 37 km, Phú Tân là huyện có tiềm năng phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Để khai thác tiềm năng ấy, những năm qua, Phú Tân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực, hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ biển…
Thực hiện mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, huyện Phú Tân đã ưu tiên tập trung đầu tư vào kinh tế biển, kết cấu hạ tầng vùng ven biển. Khai thác và nuôi trồng thủy sản (KT&NTTS) được coi là một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện Phú Tân. Toàn huyện hiện có gần 400 ghe, tàu các loại và trên 36.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 960 ha nuôi tôm siêu thâm canh. 3 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng KT&NTTS của Phú Tân đạt trên 5.700 tấn, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước trở thành cửa biển sầm uất, Cà Mau đã quy hoạch khu vực cửa biển Cái Đôi Vàm ở Phú Tân là một trong những cụm kinh tế thủy sản ven biển. Nhằm tạo thuận lợi cho các tàu, thuyền ra vào trong quá trình khai thác và đánh bắt thủy sản, Phú Tân triển khai đầu tư, nạo vét cửa sông Cái Đôi Vàm, từ đó phát huy tốt hiệu quả khu neo đậu tàu cá.
Phú Tân đã hoạch định cơ cấu kinh tế 3 vùng: kinh tế biển, ven biển và nội địa. Trong đó, kinh tế biển tập trung theo hướng vươn khơi, làm chủ ngư trường rộng lớn; kinh tế ven biển chủ yếu nuôi thủy sản có tính chất mũi nhọn và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; kinh tế nội địa phát huy mô hình sản xuất tổng hợp, đa cây con theo hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ.
Có môi trường thuận lợi để nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái…, 3 tháng đầu năm 2023, các hộ nuôi tôm ở Phú Tân đã cải tạo, thả nuôi vụ mới được hơn 190 ha; thu hoạch gần 100 ha với năng suất bình quân 20 - 40 tấn/ha. Nhiều hộ nuôi tôm có lợi nhuận từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/vụ. Đây là động lực để Phú Tân tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế biển, ven biển, đồng thời đẩy mạnh lĩnh vực KT&NTTS, quyết tâm làm giàu từ biển, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Huỳnh Anh