Phòng, chống đói rét cho đàn trâu, bò nơi vùng cao Hà Giang

Đàn gia súc của anh Hùng Văn Sinh, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân (Quản Bạ) luôn được giữ ấm và ăn no trong những ngày Đông. Nguồn: baohagiang.vn
Đàn gia súc của anh Hùng Văn Sinh, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân (Quản Bạ) luôn được giữ ấm và ăn no trong những ngày Đông. Nguồn: baohagiang.vn

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 111.123 hộ chăn nuôi trâu bò với 286.523 con. Đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc. Việc phòng, chống đói rét cho trâu bò trên địa bàn, đặc biệt tại 4 huyện vùng cao đã được quan tâm và đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Xã Xín Cái và xã Thượng Phùng là hai xã vùng cao của huyện Mèo Vạc trong mấy ngày qua chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh đầu tiên, nhiệt độ thường xuyên ở mức từ 1 - 5 độ C. Nhằm bảo về đàn gia súc trên địa bàn trước đợt rét đậm, rét hại này, chính quyền và người dân đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp phòng, chống đói rét cho trâu, bò.

Theo ông Sùng Mí Lử, Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng, để đảm bảo tốt cho đàn gia súc của xã trước đợt rét đậm, rét hại, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống các thôn, bản tuyên truyền, vận động bà con che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là trâu bò. Hướng dẫn bà con ủ chua cỏ làm thức ăn dự trữ, tăng cường cho trâu bò ăn thức ăn tinh bột để tăng sức đề kháng; tổ chức họp ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn và che chắn chuồng trại cho gia súc, đặc biệt là trâu bò.

“Khi nhiệt độ xuống dưới 5 độ C đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân, việc đi lấy nguồn thức ăn cho trâu, bò rất khó khăn. Chính vì thế, trước đợt rét đậm, rét hại đầu mùa đông này, chính quyền xã đã cử cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn bà con dự trữ thức ăn, ủ chua thức ăn cho gia súc, quây kín chuồng trại, bổ sung tinh bột và muối nhằm tăng sức đề kháng cho trâu, bò. Trâu bò là tài sản giá trị của người dân, khi được tuyên truyền, hướng dẫn, nhân dân rất đồng tình ủng hộ”. - ông Lử cho biết.

Gia đình chị Thò Thị Mỉ, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có 5 con trâu bò, đây là tài sản lớn nhất của gia đình. Chị Mỉ cho biết, hàng năm khi vào mùa đông, gia đình chị luôn chủ động phòng, chống đói rét cho trâu bò, tích trữ thức ăn, quây kín chuồng trại. “Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình tôi đã biết ủ chua thức ăn, bổ sung thức ăn tinh bột và muối, cũng như phòng bệnh cho đàn trâu bò của nhà mình vào mùa đông. Gia đình rất yên tâm không lo trâu bò chết đói, chết rét như trước kia” - chị Mỉ chi sẻ.

Theo ông Tề Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc hiện có khoảng 30.000 con trâu, bò. Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống đói rét cho trâu bò trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm hhòng Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện Mèo Vạc ban hành các văn bản chỉ đạo tới các xã, thị trấn tổ chức các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, đặc biệt là đàn trâu bò.

"Vẫn còn một số hộ chăn nuôi có thói quen thả rông trâu bò, chính vì vậy trong đợt rét đậm, rét hại này chúng tôi cũng quyết liệt trong công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho bà con, không chăn thả trâu bò trong những ngày rét đậm, rét hại, thực hiện quây kín chuồng trại, ủ chua cỏ, bổ sung thức ăn tinh bột... Chính vì vậy, trong đợt rét đậm, rét hại này chưa có con trâu, bò nào bị chết” - ông Lâm cho biết.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm