Phối hợp toàn diện bệnh viện sản - nhi, nâng cao tỷ lệ cứu sống trẻ sơ sinh

Phối hợp toàn diện bệnh viện sản - nhi, nâng cao tỷ lệ cứu sống trẻ sơ sinh
Đó là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến lĩnh vực sản - nhi sơ sinh ngày 28/3.
Bệnh nhi được theo dõi, điều trị sau ca phẫu thuật. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bệnh nhi được theo dõi, điều trị sau ca phẫu thuật. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
 
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ, mới đây, hai bệnh viện này đã phối hợp cứu sống một trẻ sơ sinh có khối bướu bạch huyết to ở vùng cổ và dưới cằm bằng. Theo kết quả siêu âm, thai nhi bị khối bướu bạch huyết to bít kín đường thở, đẩy lưỡi em bé ra khỏi miệng, bít kín thực quản.

Các bác sỹ dự đoán khả năng bé sơ sinh sẽ tử vong ngay sau khi rời khỏi bụng mẹ là khó tránh khỏi nếu không được hỗ trợ hô hấp. Ngay lập tức, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phối hợp hội chẩn tìm phương án cứu sống em bé.
 
Trong quá trình can thiệp, bác sỹ khoa sản có nhiệm vụ chỉ đưa phần đầu và tay của đứa trẻ ra khỏi tử cung người mẹ, phần cơ thể còn lại vẫn giữ lại trong tử cung nhằm đảm bảo nhau thai được dây rốn cung cấp máu và oxy.

Khi đó, các bác sỹ chuyên khoa nhi vào cuộc, có nhiệm vụ tiến hành đặt nội khí quản cho bé sơ sinh. Sau khi tách thai nhi khỏi tử cung mẹ, ngay lập tức, trẻ được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản và chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị khối u.
 
Đây là một trong những trường hợp phối hợp sản - nhi cứu sống trẻ sơ sinh điển hình mà hai bệnh viện này thực hiện thời gian qua, chưa kể hàng trăm cuộc hội chẩn, xử trí trước sinh và sau sinh giữa hai bệnh viện chuyên khoa sản - nhi này.
 
Theo số liệu từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố, từ tháng 1/2019 đến tháng 2/2019, đơn vị này đã thực hiện phối hợp sản - nhi toàn diện với hai bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương thực hiện hơn 500 ca hội chẩn trước sinh, tiếp nhận hơn 100 trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý bẩm sinh như: Tim mạch, thoát vị hoành, viêm phúc mạc, hở thành bụng...chỉ vài giờ sau khi chào đời. Sự phối hợp này đã cứu sống nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh hiểm nghèo tưởng như không thể qua khỏi, tỷ lệ tử vong giảm còn khoảng 10%.
 
Phối hợp sản - nhi toàn diện từ chẩn đoán - tư vấn trước sinh và xử trí sau sinh giúp phát huy hết nguồn lực sẵn có của bệnh viện sản và bệnh viện nhi, làm tăng tỷ lệ cứu sống trẻ sơ sinh hơn rất nhiều so với trước đây” - Bác sỹ Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố khẳng định.
 
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chỉ đạo tuyến, đặc biệt là việc phối hợp trong lĩnh vực sản - nhi giữa các bệnh viện.

Thực tế trong nhiều năm qua, các bệnh viện sản - nhi tuyến trên đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cho bệnh viện tuyến dưới của thành phố như: Chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, tập huấn kiến thức và phối hợp can thiệp ca bệnh nguy hiểm...
 
Thời gian tới, các bệnh viện cần có sự kết nối như: Kết nối giữa bệnh viện sản và bệnh viện nhi, kết nối giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới.

Đặc biệt là sự kết nối giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân bởi đến nay bệnh viện tư nhân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các bệnh viện sản - nhi tuyến cuối.
 
Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh giao 5 bệnh viện đầu ngành về sản - nhi của thành phố là Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp tục hỗ trợ công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới.

Ngoài ra,  các bệnh viện phối hợp hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới và bệnh viện tư nhân trong những trường hợp “báo động đỏ”  nhằm giảm thiểu sự cố tử vong ở lĩnh vực sản-nhi, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em trên địa bàn./.
                 Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm