Trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa phương trong vùng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định chủ trương: "Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư; các chính sách kinh tế-xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc."
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện chùm 3 bài viết: "Phát triển vùng vì cả nước".
Bài 1: Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời định hướng phát triển vùng theo hướng: "Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới..."
Chủ trương đúng, sát hợp
Về địa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, nước ta chia thành 6 vùng bao gồm: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng; khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.
Bộ Chính trị các khóa trước đây cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng và giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, coi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Hoạt động hợp tác, kết nối với các địa phương ngoài vùng còn khiêm tốn...
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm "ngủ yên," đã được "đánh thức" vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng người dân nơi đây phần lớn chỉ mới "đủ ăn" mà chưa khá giả...
Do vậy, Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết mới về phát triển vùng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với các vùng; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở mỗi vùng trong bối cảnh phát triển mới.
Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt các Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững toàn vùng và các địa phương trong vùng trong thời gian tới.
Giúp các vùng vươn lên mạnh mẽ
Cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển vùng của Đảng, trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW; và Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Đời sống của nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước. Đa số các mục tiêu, chỉ tiêu của toàn vùng đặt ra đã được hoàn thành, nhất là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt mức cao hơn trung bình toàn quốc.
Đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Thọ, cảm nhận đầu tiên là sự đổi thay rõ nét ở những vùng quê nơi đây với những ngôi nhà khang trang, kết cấu hạ tầng kiên cố. Nằm ở độ cao trên 1.000 mét, khu Đèo Mương, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, trước kia muốn vào được khu này phải đi mất cả giờ đồng hồ trên những cung đường quanh co, gồ ghề đất đá, mưa lũ thì trơn trượt, đời sống của người dân thiếu thốn trăm bề. Giờ đây, vùng đất khó này đã thực sự chuyển mình với đường xá phong quang, nhà văn hóa khu, lớp học xây kiên cố cùng những ngôi nhà tươi màu sơn mới của đồng bào người Mường xen lẫn màu xanh trù phú của đồi rừng, hoa màu.
Theo ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn, việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở những xã vùng sâu, vùng xa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn miền núi của huyện đã từng bước thay đổi, nhiều xã đã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh Phú Thọ, từ một địa bàn khó khăn đến nay 100% số xã trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm, có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn, bản có điện lưới với trên 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%... Đời sống của đồng bào vùng cao đang từng ngày khởi sắc.
Giai đoạn 2016-2020 triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm; mức sống người dân được cải thiện; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã giảm hộ nghèo từ 32,21% vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 7,04% vào cuối năm 2020, tỷ lệ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản chỉ còn 0,19%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm.
Giờ đây, đến tỉnh Yên Bái - nơi có nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy làm đầu mối của vùng Tây Bắc với những thắng cảnh đẹp như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè Suối Giàng, hồ Thác Bà, càng thấy sự đổi thay nhanh chóng từ những con đường mới mở thênh thang về các bản làng, nối tiếp những nương đồi bát ngát màu xanh, hứa hẹn một cuộc sống bình yên, no đủ.
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và 2020, tư duy về phát triển vùng của các địa phương đã có nhiều đổi mới. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, quy mô kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2004-2020 đạt bình quân khoảng 8,68%. Quy mô GRDP của vùng năm 2020 xếp thứ 4 so với các vùng trong cả nước, đóng góp 11,9% vào tổng GDP cả nước. Thu nhập bình quân của vùng tăng nhanh, đến năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2004.
Năm 2004-2020, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển vượt bậc, khẳng định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, luôn xếp đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây. Thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, luôn duy trì được vị trí xuất siêu của cả nước.
Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân, việc đưa các Nghị quyết vào thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ giúp các vùng vươn lên mạnh mẽ, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và phát triển bền vững. (Xem tiếp Bài 2: Đẩy mạnh liên kết vùng)
Nguyễn Hồng Điệp