Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đảm bảo cân đối các chỉ tiêu thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đảm bảo cân đối các chỉ tiêu thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Cần thêm chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Đánh giá việc xây dựng Đề án đã thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, Đề án đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan thực trạng và đề ra các giải pháp đảm bảo tính lý luận, thực tiễn cao. Đồng tình với tiêu chí phân loại thôn, xã đặc biệt khó khăn được thể hiện trong Đề án, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Đề án quan tâm xem xét thêm về nội dung đối với loại xã ở vùng trọng điểm có công trình quốc phòng đặc biệt mà chưa đạt tiêu chí như Đề án nêu. Các xã này thường nằm trong diện quản lý rất chặt chẽ về mọi mặt, không được đầu tư khai thác mà luôn được bảo tồn để xây dựng thế trận lòng dân. “Tuy Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm nhưng ở chừng mực nào đó còn những khó khăn. Nếu không để cho các xã này được thụ hưởng các chính sách đầu tư của Đề án, xã khó có khả năng phát triển theo kịp các địa phương khác. Người dân và cán bộ ở đó sẽ rất bị thiệt thòi”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang phát biểu. Ảnh: Văn điệp – TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang phát biểu.
Ảnh: Văn điệp – TTXVN

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình. Trong đó, việc phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo thu nhập là vấn đề đặc biệt quan trọng. Đối với việc phát triển hạ tầng, đại biểu tán thành với dự thảo Đề án. Về vấn đề tạo sinh kế, từ thực tế địa phương, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần tập trung ở một số vùng sâu, vùng xa, có chính sách hỗ trợ đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như: chăn nuôi, trồng trọt một số cây, con chủ lực... bởi những mô hình kinh tế này không cần đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động, “lấy công làm lãi”; thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi, mang lại giá trị về kinh tế bền vững, thường xuyên.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần có chính sách thu hút những doanh nghiệp, dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh khởi nghiệp. Theo đại biểu, về hai vấn đề này, dự thảo Đề án đã giải quyết khá tốt và cụ thể. Từ thực tế thành công của một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An như chăn nuôi bò sữa, chế biến gỗ, trồng và chế biến dược liệu…, đại biểu đề xuất cần hỗ trợ đầu tư, thu hút những mô hình doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trung tâm, người dân là vệ tinh xung quanh doanh nghiệp. “Ở đó, doanh nghiệp vừa sản xuất một phần, nhưng vẫn đầu tư giống và hướng dẫn kỹ thuật để người dân sản xuất, chăn nuôi, sau đó thu mua, chế biến sản phẩm của bà con”, đại biểu Trang nêu ví dụ. Với mô hình này, có thể sẽ không sử dụng nhiều lao động địa phương như khung 70% mà dự thảo Đề án đặt ra, nhưng vẫn giúp được người nông dân có việc làm với tư cách làm chủ trên mảnh đất của mình. “Cái hay của mô hình này là doanh nghiệp không sử dụng quá nhiều đất đai”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang góp ý thêm.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, để thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần thu hút các dự án lớn. Tuy nhiên, tổng kết của Chính phủ qua 3 năm 2016 - 2018, Việt Nam đã thu hút được 4.699 dự án đầu tư, nhưng những dự án này chủ yếu ở vùng đô thị, ven đô thị, ở địa bàn xã khu vực hai và khu vực ba hầu như không có. Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, để có được những dự án lớn đầu tư làm thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần rất nhiều vốn và thời gian hoạt động của dự án rất dài. Do đó, đại biểu cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ như dự thảo Đề án đã nêu, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay nước ngoài nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, cần cam kết đảm bảo tính bền vững của các chính sách cho các dự án lớn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào những vùng khó khăn này.

Rà soát lại các tiêu chí đảm bảo phù hợp thực tiễn

Khẳng định vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và môi trường sinh thái, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đánh giá, Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó đạt được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Niềm tin của đồng bào, nhân dân các dân tộc vào đường lối lãnh đạo, đổi mới của Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc…

Mặc dù đạt được các kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, theo đại biểu Tống Thanh Bình, “Hiện nay, chúng ta vẫn phải khẳng định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước”. Với nhận định trên, để góp ý hoàn thiện Đề án, đại biểu cho rằng cần xác định rõ địa bàn, đối tượng thực hiện Đề án; đồng thời thống nhất phân kỳ thực hiện Đề án từ năm 2021 - 2030 nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát triển.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng, xem xét ban hành tiêu chí để phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xác định cụ thể xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cũng là cơ sở để làm tiêu chí phân bổ nguồn lực, tránh cào bằng; rà soát các tiêu chí đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu nêu ví dụ: “Mục tiêu của Đề án đưa ra là đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần năm 2026 là rất cao, rất khó khả thi. Tỷ lệ che phủ rừng Đề án đưa ra đến năm 2025 duy trì ở mức 42% là thấp, vì tính đến năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt bình quân 41,65%, đặc biệt, nhiều tỉnh miền núi có tỷ lệ che phủ rất cao, trên 50%”. Từ những phân tích này, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Ban soạn thảo Đề án rà soát lại các yếu tố, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo dục - đào tạo; trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. "Thực tế cho thấy, càng ở đơn vị cấp cao, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số càng thấp. Nhiều vụ, ngành Trung ương không có cán bộ người dân tộc thiểu số", đại biểu nêu thực tế. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát các nguồn lực đã bố trí, thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tính đến thời điểm kết thúc năm 2020, “đảm bảo không nợ chính sách”; xác định rõ nguồn lực được bố trí của Đề án vì dự kiến nguồn lực được bố trí thực hiện Đề án là khá lớn, tránh tình trạng thiếu phối hợp, đồng bộ giữa bán hành chính sách và bố trí nguồn lực.

Đề nghị giữ mức chỉ tiêu về thu nhập

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, quá trình xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 - 2030 của Đề án, Ban soạn thảo đã xem xét nhiều căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi. Qua thảo luận và thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến cho hay, một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu về thu nhập đến năm 2025 tăng hai lần là cao, không khả thi. Một số ý kiến khác cho rằng chỉ tiêu về giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu về đào tạo nghề cao, khó đạt được...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Đinh Thị Bình phát biểu. Ảnh: Văn điệp – TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Đinh Thị Bình phát biểu. Ảnh: Văn điệp – TTXVN

Giải trình về chỉ tiêu thu nhập, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân của người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13- 14 triệu đồng/năm. Nếu đến 2025 tăng gấp hai lần sẽ đạt khoảng 26 - 28 triệu đồng/năm. "Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2025 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người. Chúng tôi đã nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với quyết tâm rất cao: Năm 2020 so với năm 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần; Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần; Quảng Bình 2,5 lần; Gia Lai 2,1 lần… Chương trình tam nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần/5 năm. Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị cho giữ khoảng 2 lần để từng hộ, thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có quyết tâm phấn đấu và hằng năm có kiểm điểm".

Chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra chỉ tiêu lao động qua đào tạo là 70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25 - 30%. Ông Chiến khẳng định, Đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng chỉ tiêu lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ 10 - 15% là phù hợp. Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo, dạy nghề sẽ được thực hiện theo theo hướng cầm tay chỉ việc để lao động thực hành được việc ngay, không nhất thiết cần bằng cấp, chứng chỉ. "Đây là điểm tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số", ông Chiến nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt phát biểu. Ảnh: Văn điệp - TTXVN
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt phát biểu. Ảnh: Văn điệp - TTXVN

Riêng về chỉ tiêu giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt…, tiếp thu ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đồng thời căn cứ vào chỉ đạo kết luận của Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết Ban soạn thảo sẽ cân nhắc để điều chỉnh phù hợp tiêu chí này, trước mắt đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết theo hướng mở, có tính nguyên tắc và xác định cận dưới, để khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, Ban soạn thảo sẽ cân đối, đồng thời xác định chỉ tiêu hợp lý hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, cùng với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số cũng đang nỗ lực vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống. “Đó là nguồn lực nội sinh mới hứa hẹn sự thành công của Đề án” - ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tốt nhất: “Quốc hội ấn nút phê duyệt Đề án và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp này là một món quà vô cùng đặc biệt, thật sự ý nghĩa tặng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trước thềm Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ hai, tháng 4/2020”.
Hiền Hạnh

Có thể bạn quan tâm

Phân bổ hơn 4.557 tỷ đồng để xoá nhà tạm, nhà dột nát

Phân bổ hơn 4.557 tỷ đồng để xoá nhà tạm, nhà dột nát

Thông tin ngày 30/3 từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho hay, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép sử dụng từ nguồn tiết kiệm 5% kinh phí chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phân bổ 4.557,773 tỷ đồng để các địa phương triển khai chương trình này trên địa bàn. Đến nay, các địa phương đã nhận được 2.836,8 tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng, tập đoàn, đạt gần 82% theo phương án phân công của Ban Chỉ đạo trung ương.

Bộ Y tế yêu cầu siết chặt kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Bộ Y tế yêu cầu siết chặt kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 29/3, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc gửi Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ về việc tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng ủng hộ Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Ninh Thuận phải quyết tâm hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ninh Thuận phải cố gắng nỗ lực để là 1 trong 5 tỉnh, thành phố hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân khó khăn về nhà ở trong năm 2025. Đó là mong muốn, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, Lễ phát động chiến dịch 90 ngày đêm “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do tỉnh tổ chức sáng 29/3.

Đoàn đại biểu Quốc thảo luận ở tổ về cải cách tiền lương. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 4/2025: Quy định mới về tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước

Trong tháng 4/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đóng góp đề xuất dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc

Đóng góp đề xuất dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc

Ngày 27/3, Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Huế tổ chức khai mạc Hội thảo "Chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực trạng và những đề xuất cho dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc".

Khuyến khích đặt tên xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa

Khuyến khích đặt tên xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa

Để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; trên cơ sở kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Theo hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong thời hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp (từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4), thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải khai báo trên phần mềm đầy đủ, đúng các thông tin kèm minh chứng để hưởng ưu tiên trong xét tuyển.

Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ngày 20/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã ban hành Công văn số 43-CV/BCĐ (Công văn số 43-CV/BCĐ) về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế" (Chương trình).

Triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi khó khăn tỉnh Cao Bằng

Triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi khó khăn tỉnh Cao Bằng

Giảm nghèo bền vững được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng. Các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, tạo sinh kế để tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.