Sáng 20/9, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Báo Công lý (Cơ quan ngôn luận của Tòa án nhân dân tối cao) tổ chức.
Với sự tham dự của gần 200 đại biểu, hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý; các chuyên gia, các viện, trường đại học, cao đẳng du lịch và các tổ chức kinh doanh du lịch tại ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch và vấn đề thực thi pháp luật về du lịch tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp của khu vực ĐBSCL.
ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Với những lợi thế về tự nhiên và con người, trong thời gian qua, du lịch của vùng không ngừng được đầu tư phát triển. Trong quá trình phát triển du lịch, vấn đề con người luôn giữ vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù vậy, nguồn nhân lực của vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo số liệu từ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tính đến năm 2024, số lượng lao động du lịch trực tiếp trong toàn vùng là 67.811 người, tăng trên 9.000 người so với năm 2023. Dựa trên con số này, có thể thấy nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch rất dồi dào và trên đà tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, số lượng nhân lực đã qua đào tạo thì chưa phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của thời đại. Cụ thể: số lượng nhân lực đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch trong năm 2024 là 43.876 người (đạt 64,70%), tăng 4.676 người so với năm 2023. Nhân lực du lịch phân bổ chủ yếu ở một số tỉnh như: Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ,...
Từ những số liệu thực tế, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho rằng, nguồn nhân lực ngành du lịch ĐBSCL còn nhiều bất cập, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch (kỹ năng mềm, chuyên môn du lịch, ngoại ngữ,...) trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2023, tổng số du khách đến ĐBSCL gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt; doanh thu ước đạt 45.743 tỷ đồng.
Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc đưa ra các giải pháp để đưa du lịch ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn nhưng ngành du lịch ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng du lịch mà thiên nhiên đã ban tặng. Một trong những nguyên dân dẫn đến du lịch ĐBSCL phát triển chưa đột phá đó là các địa phương chưa nâng cao tầm quan trọng của việc thực thi pháp luật về du lịch.
Theo thẩm phán Thái Rết, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, công tác quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương thuộc ĐBSCL vẫn chưa được thực hiện triệt để, thường xuyên; tồn tại nhiều hạn chế trong hoạt động kinh doanh du lịch như: một số điểm du lịch tự phát, không đăng ký giấy phép kinh doanh, sử dụng đất không đúng mục đích; còn tồn tại nạn chèo kéo, chặt chém, trộm cắp tài sản của du khách nhưng công tác đảm bảo an ninh trật tự vẫn chưa được quan tâm, chưa giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các khiếu nại, kiến nghị của du khách. Qua đó, đã làm xấu đi hình ảnh du lịch miền sông nước, khiến du khách phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định đi tham quan du lịch tại các địa điểm của ĐBSCL.
Từ những khó khăn, tồn tại trong phát triển du lịch ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL; định hướng công tác đào tạo gắn với thực tế; đồng thời nâng cao và cập nhật kiến thức pháp luật về du lịch, đảm bảo phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và đúng quy định của pháp luật.
Các chuyên gia nhận định, để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch ĐBSCL thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành là một yêu cầu cấp bách. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng ngành du lịch mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, đặc biệt là mối liên kết giữa nhà nước - nhà trường và nhà sử dụng lao động du lịch.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nên có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó phân bổ chương trình học giữa lý thuyết và thực hành, thực tập phù hợp, nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế cho người học.
Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực ở vùng ĐBSCL, ưu tiên lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, dựa trên thế mạnh của 13 tỉnh, thành trong vùng, theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động sang ngành dịch vụ - du lịch.
Dựa trên nhu cầu phát triển du lịch vùng ĐBSCL, cần có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ cho nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trong đó, bao gồm cả nhân lực là chuyên gia, lao động du lịch làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp về du lịch; học sinh - sinh viên học nghề du lịch.
Để nâng cao thực thi pháp luật về hoạt động du lịch, đảm bảo du lịch tại ĐBSCL phát triển bền vững, thẩm phán Đặng Quốc Khởi, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho rằng, điều đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ luật cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch nhỏ và vừa.
Các cơ quan chức năng kịp thời triển khai phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở, điểm kinh doanh du lịch các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến các vấn đề về du lịch. Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng vinh danh các điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL mới được công nhận, góp phần làm phong phú thêm điểm đến của vùng.
Thu Hiền