Phát huy lợi thế, tiềm năng của du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 29/3, tại Cần Thơ, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo nhằm nhận diện điểm nghẽn, đề xuất giải pháp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

vna_potal_hoi_thao_“xay_dung_phat_trien_tour_-_tuyen_va_cac_san_pham_dac_thu_cua_du_lich_dong_bang_song_cuu_long”_7296561.jpg
Công bố danh sách 4 “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2024. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại chính khiến du lịch của vùng chưa thể "cất cánh" tương xứng tiềm năng, đó là: sự kết nối giữa các địa phương chưa sâu sắc và đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, sản phẩm du lịch chưa có nhiều cải tiến, có sự "dẫm chân nhau" giữa các địa phương, ứng dụng công nghệ hiện đại vào phục vụ phát triển du lịch chưa cao…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, với vai trò thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ ưu tiên mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước để quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch. Đến nay, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Thanh Hóa… Việc mở rộng hợp tác góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng, với những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Thành phố cũng xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn…, từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng.

vna_potal_hoi_thao_“xay_dung_phat_trien_tour_-_tuyen_va_cac_san_pham_dac_thu_cua_du_lich_dong_bang_song_cuu_long”_7296564.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Cần Thơ còn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố. Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch thành phố cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh trạnh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.

Bàn về định hướng phát triển du lịch dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương, gia tăng trải nghiệm cho du khách theo hướng du lịch xanh bền vững, ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2024, tỉnh sẽ triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp hạnh phúc, lễ hội cây trái, tâm linh. Tiêu biểu như lễ hội dừa sáp; cùng nhà nông trải nghiệm thu hoạch mật hoa dừa; tour kết hợp tham quan hệ thống chùa và tham gia lễ hội của người Khmer… Đây là những sản vật và nét văn hóa đặc trưng riêng có, nổi bật của tỉnh Trà Vinh. Do đó, lộ trình phát triển này sẽ mang tính ổn định, bền vững, cũng như mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng dân cư bản địa khi tham gia vào chuỗi du lịch.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ đề xuất một số nhóm giải pháp chính nhằm nâng cao hơn nữa sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị trong hệ sinh thái du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: cần xây dựng mạng lưới dịch vụ đạt chuẩn (các điểm du lịch đạt chuẩn, doanh nghiệp lữ hành đạt chuẩn…); xây dựng các trung tâm văn hóa ẩm thực, gia tăng trải nghiệm thú vị cho du khách; cần có các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch tập trung vào những “thời điểm vàng” của mùa du lịch, thay vì làm dàn trải như hiện nay.

vna_potal_hoi_thao_“xay_dung_phat_trien_tour_-_tuyen_va_cac_san_pham_dac_thu_cua_du_lich_dong_bang_song_cuu_long”_7296560.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu còn nêu sự cần thiết xây dựng các sản phẩm liên tuyến “một hành trình, nhiều điểm đến”; các sản phẩm du lịch đặc trưng có sự tương tác trải nghiệm cho du khách như “một ngày làm điền chủ”, “tát mương bắt cá”… Các đại biểu cũng đề nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua sự liên kết ba nhà (Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp); tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia vào các hoạt động xúc tiến quốc tế; hợp tác với các hãng hàng không để mở rộng tour, tuyến; triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, thám hiểm (chèo thuyền kayak, trekking, vào rừng thu hoạch mật ong…).

Đại diện Ban Tổ chức, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, góp phần làm nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Du lịch, rất cần sự chung tay của truyền thông trong phát triển thương hiệu, thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã công bố danh sách bốn “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2024 gồm: Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer (cùng thuộc tỉnh Trà Vinh), Điểm du lịch Đồi Tức Dụp (tỉnh An Giang), Cảng Du thuyền Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm