Các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Bốn địa phương này có nhiều nét tương đồng như cùng được bao bọc bởi các nhánh thuộc hệ thống sông Mekong, có nhiều cồn, cù lao xanh mát, đa dạng hệ sinh thái, ba tỉnh giáp biển, thuận lợi phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch.
Phát triển trên nền tài nguyên bản địa
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế du lịch ở các tỉnh thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long là bốn địa phương đều “sở hữu” nguồn tài nguyên bản địa đa dạng. Từ đó, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch trải nghiệm giàu giá trị. Với vị trí địa lý liền kề nhau, ở gần Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh thuộc tiểu vùng là điểm đến khó có thể bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá đồng bằng châu thổ.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cụm các tỉnh thuộc tiểu vùng có rừng tràm nước ngọt và rừng bần, đước nước mặn… thể hiện tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, các tỉnh có cùng bản sắc văn hóa đồng bằng Nam Bộ, sông nước miệt vườn, đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn. Trong đó, Trà Vinh nằm giữa hai nhánh sông và tiếp giáp Biển Đông, có những cù lao, cồn nổi hình thành nhiều vườn cây ăn trái, nét văn hóa miệt vườn, đồng bào các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa sinh sống đoàn kết. Đây chính là tài nguyên để tỉnh có những sản phẩm du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt khách.
Tiền Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch với những cù lao, miệt vườn. Cùng với đó, tỉnh có trên 30 km bờ biển, những điểm tham quan, lễ hội gắn với đời sống cư dân ven biển đặc sắc. Tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có các di tích cấp quốc gia đặc biệt cũng là điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử như: Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc, di tích các địa điểm khởi nghĩa Trương Định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) Lê Thị Bé Phượng cho biết, trên hành trình về duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ Tho là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn bởi đây là đô thị có lịch sử hình thành gần 350 năm, gắn liền với tên gọi "Mỹ Tho đại phố", những địa danh như cồn Thới Sơn, điểm đến tâm linh chùa Vĩnh Tràng…
Trên cơ sở tài nguyên bản địa, thành phố Mỹ Tho đang xúc tiến xây dựng các đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Thới Sơn gắn với nghệ thuật đờn ca tài tử và sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng phố đi bộ tại Công viên Tết Mậu Thân, phát triển làng hoa kiểng thành phố Mỹ Tho gắn với du lịch…
Tăng liên kết, thêm hành trình hấp dẫn
Từ các tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đã hình thành nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch, tạo nên nét riêng cho du lịch các địa phương thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Song từ thực tế có nhiều đặc điểm khá tương đồng cũng đòi hỏi các địa phương thuộc tiểu vùng phát huy lợi thế vị trí địa lý, thuận lợi di chuyển, tài nguyên du lịch phong phú, từ đó tăng cường hợp tác, liên kết tạo ra nhiều phẩm du lịch hấp dẫn hơn, tránh trùng lặp.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban điều hành đề án liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023, các tỉnh thuộc tiểu vùng phối hợp chặt chẽ, triển khai hợp tác, đạt nhiều kết quả ở những lĩnh vực như, phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển chuỗi các giá trị nông sản chủ lực, công nghiệp, thương mại, du lịch…
Đối với du lịch, ngành chuyên môn, doanh nghiệp tích cực hợp tác, liên kết giữa các địa phương thuộc tiểu vùng, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, thu hút khoảng trên 7,2 triệu lượt khách đến các tỉnh thuộc tiểu vùng mỗi năm.Năm 2024, Bến Tre được giao nhiệm vụ Trưởng ban điều hành đề án liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Bến Tre cùng các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tour du lịch trải nghiệm nhiều địa phương trong cùng một hành trình.
Theo bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong, vùng sông nước sản vật phong phú, môi trường sinh thái trong lành, người dân thân thiện, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, Bến Tre hội tụ nhiều điều kiện để liên kết với các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian du lịch đặc sắc, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch.
Bến Tre cùng các địa phương củng cố sản phẩm, tuyến, điểm du lịch đang khai thác, xây dựng tuyến, điểm du lịch mới, phát triển tuyến du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bến Tre cùng Trà Vinh tiếp tục khai thác hiệu quả tuyến du lịch “Sông nước hữu tình”, với lợi thế của hai địa phương cùng thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, cùng tiếp giáp Biển Đông song từng địa phương vẫn có nét văn hóa đặc sắc riêng.
Thông tin từ nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng cho thấy, hiện nay, nhiều tour, tuyến du lịch được thiết kế có sự đan xen, kết nối điểm đến giữa các địa phương, trong đó có các tỉnh thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long đang được khai thác. Đơn cử các tour: Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Tre - Trà Vinh, đưa du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái ở Bến Tre, tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer Trà Vinh qua các ngôi chùa cổ kính.
Tour Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, khám phá khá toàn diện các địa phương tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, với trải nghiệm tiêu biểu ở từng địa phương như: Đi thuyền trên sông Tiền ở Tiền Giang, chèo xuồng ba lá qua rừng dừa nước ở Bến Tre, đến Cồn Chim (Trà Vinh) tham quan mô hình du lịch sinh thái “thuận thiên”…
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng bản sắc, góp phần phát triển du lịch toàn vùng, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, các địa phương cần tăng cường liên kết dựa trên nền tảng là nguồn tài nguyên bản địa đa dạng và lợi thế gần đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Theo Thạc sĩ Dương Trường Phúc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), từ nguồn tài nguyên, các địa phương thuộc tiểu vùng tiếp tục phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Đồng thời, chú trọng đầu tư, khuyến khích xây dựng điểm vui chơi giải trí, trải nghiệm để “giữ chân” khách dài ngày hơn. Ngoài tăng cường kết nối phát triển du lịch giữa các địa phương cần tăng kết nối, phối hợp với nhiều ngành nghề ở cùng địa phương tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, trải nghiệm đặc thù hơn.
Quan tâm một trong những sản phẩm du lịch các địa phương tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long đều có là du lịch nông nghiệp, Thạc sĩ Võ Văn Sơn và Phan Thị Khánh Đoan (Trường Đại học Tiền Giang) đề xuất, cần xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp tiểu vùng trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa sản xuất, sản vật địa phương, khai thác tối đa đặc trưng của sản xuất nông nghiệp ở các địa phương kết hợp với giá trị văn hóa để sản phẩm hấp dẫn hơn, không bị trùng lặp.
Thanh Trà