Để đưa ra được các giải pháp có tính toàn diện và bền vững giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án “Phòng chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bị hạ thấp (do sụt lún đất) rất nghiêm trọng, nhất là các vùng gần biển, xa nguồn nước ngọt, điển hình là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; hay các thành phố như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau.
Diễn biến sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua bắt đầu gia tăng rõ rệt, từ dưới 100 điểm sạt lở (trước năm 2012) lên đến gần 800 điểm như hiện nay. Có nhiều yếu tố tác động đến ngập úng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, nguồn nước trên Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi theo hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong khi dòng chảy mùa khô phụ thuộc từ thượng lưu về, thì dòng chảy mùa mưa ngoài phụ thuộc chủ yếu vào dòng chảy thượng lưu còn phụ thuộc vào quá trình mưa - dòng chảy trên đồng bằng.
Do đó, việc xây dựng đề án “Phòng chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm xác định được những chương trình hay dự án cần được ưu tiên để triển khai một cách đồng bộ các giải pháp phòng chống tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, sụt lún đất, sạt lở bờ sông/bờ biển, ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Trần Bá Hoằng, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, đề án sẽ giải quyết các vấn đề có tính chính yếu và ưu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long là: sụt lún đất; sạt lở bờ sông và bờ biển; ngập úng; hạn hán, xâm nhập mặn; nước sạch nông thôn. Đề án sẽ đưa ra các giải pháp mang tính toàn diện và tích hợp; ưu tiên các vấn đề cấp bách và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Giải pháp tổng thể đến năm 2035, đối với vùng Thượng (vùng canh tác nước ngọt) sẽ cần chủ động thích ứng với lũ suy giảm; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống ô bao phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng lũ suy giảm trên đồng bằng; các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, các hố xói trên sông Tiền và sông Hậu. Đồng thời nâng cấp các đê bao, cải tạo các trục kênh tiêu thoát phòng chống ngập úng khu đô thị, khu dân cư.
Đối với vùng giữa (vùng nước ngọt – lợ luân phiên), xâm nhập mặn biến động bất thường, có xu thế gay gắt hơn sẽ nâng cấp hoàn thiện hệ thống công trình đã hình thành phòng chống hạn, xâm nhập mặn và công trình chuyển nước ngọt ra vùng ven biển. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, nạo vét các kênh trữ nước, chuyển nước nội vùng và đến ven biển; hoàn thiện các hệ thống thủy lợi chống ngập úng các đô thị, khu dân cư.
Vùng ven biển (lợ - mặn) là vùng thường xuyên thiếu nước ngọt, tác động của triều cường, bão biển. Theo đó cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thủy lợi chủ động cấp nước ngọt, lợ phục vụ nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố nâng cấp các tuyến đê biển, hệ thống công trình bảo vệ bờ tại đoạn trọng yếu không có khả năng bồi và trồng rừng; nghiên cứu các giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn, giảm thiểu khai thác nước ngầm.
Tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện kế hoạch quản lý phát triển bền vững vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao năng lực quản lý rủi ro, cảnh báo sớm ngập lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn thích ứng…
Theo đó, sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng về các tác động của các yếu tố thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng Hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai. Đánh giá diễn biến lòng và bờ sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông chính…
Về đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, đó là tăng cường khả năng chống chịu, giảm thiểu rủi ro do sụt lún đất cục bộ tại Cà Mau và Kiên Giang. Tăng cường khả năng chống chịu đối với tình trạng sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu; bờ sông nội tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long; tình trạng sạt lở bờ biển; tình trạng ngập úng các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt vùng cần tăng cường khả năng chống chịu đối với tình trạng hạn mặn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt.
Riêng về tăng cường khả năng chống chịu đối với tình trạng hạn mặn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, ông Trần Bá Hoằng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hoàn thiện hệ thống thủy lợi và nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất tại cảc tỉnh ven biển.
Các hạng mục cần thiết sẽ được đầu tư để chuyển đổi các diện tích không có khả năng cấp nước sang sản xuất ít hoặc không sử dụng nước ngọt; đầu tư hoàn thiện một số hệ thống thủy lợi hiện hữu để vận hành bổ sung nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là đầu tư các hạng mục để chuyển nước ngọt đủ tiêu chuẩn tạo nguồn cho các khu vực ven biển; xây dựng bổ sung để thu gom và trữ nước mưa dùng cho sinh hoạt mùa khô tại các khu vực ven biển.
Như vậy, sẽ chủ động nguồn nước phòng, chống hạn mặn, thiếu nước cho phát triển kinh tế nông nghiệp vùng ven biển. Đồng thời tạo động lực cho việc đầu tư khai thác tiềm năng của vùng.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ngày 4/6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ, tiết kiệm nước phải tiếp cận ở 3 vấn đề là số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Cách thức sử dụng sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước.
Trước thách thức biến đổi khí hậu cần phải sử dụng nước với tư duy là tài nguyên hữu hạn và phải tiếp cận nền nông nghiệp khan hiếm nước. Nếu không, khi hết nước tự nhiên, chúng ta khai thác nước ngầm thì sẽ có nhiều hệ lụy và rơi vào vòng luẩn quẩn không có đường ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra.
Về xây dựng đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến của các chuyên gia tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Bộ sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ chuyên gia 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long để nghe thêm ý kiến.
Bích Hồng