Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập ở Cần Thơ

Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập ở Cần Thơ

Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa giúp các hộ nông dân có thu nhập cao hơn những hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần từ 30% trở lên. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”, do Hội Nông dân thành phố phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 21/9.

Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập ở Cần Thơ ảnh 1Đại diện Hội Nông dân thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ Trần Thị Thiên Thư cho biết: các cấp Hội Nông dân đang triển khai chương trình hỗ trợ khoảng 150 hộ nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, kết hợp du lịch theo hướng bền vững. Theo thống kê sơ bộ, những hộ này có thu nhập cao hơn những hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần từ 30% trở lên. Kết quả này cho thấy tính khả thi của chương trình trong việc tạo sinh kế bền vững, phát huy và bảo vệ tài nguyên nông nghiệp bản địa. Thời gian tới, để giúp những mô hình này phát triển có hiệu quả, Hội Nông dân thành phố sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành chuyên môn, triển khai hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp kết hợp du lịch, trang bị kiến thức cho các hộ nông dân, Hội Nông dân thành phố tăng cường tổ chức các khóa tập huấn giới thiệu đến các nông hộ những kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển mô hình, quản trị kinh doanh và liên kết phát triển. Trên cơ sở đó, các nông hộ sẽ nhìn nhận, đánh giá mảnh vườn, thửa ruộng của mình có thế mạnh như thế nào; khu vực xung quanh cũng như địa phương và rộng hơn là thế giới đang phát triển du lịch nông nghiệp theo xu hướng nào.

Khi đã có định hướng phù hợp, các nông hộ tiếp tục được hỗ trợ tham gia các khóa tập huấn những kỹ năng mềm, thích ứng với việc chuyển đổi từ chú trọng sản xuất sang dịch vụ. Nông hộ sẽ được các chuyên gia đào tạo kỹ năng giao tiếp với khách du lịch; khả năng sử dụng tiếng Anh cơ bản trong chào hỏi và đặt món ăn; một số kiến thức cơ bản về văn hóa - lịch sử đặc trưng của Cần Thơ để giới thiệu đến du khách…

Hội Nông dân thành phố Cần Thơ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội kết nối chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các hộ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Hiện nay, Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Cần Thơ có nguồn vốn khoảng 45 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này, các nông hộ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất bằng hình thức tín chấp thay vì phải thế chấp. Số tiền mỗi hộ được vay tùy theo quy mô của mỗi mô hình và tối đa có thể đến 100 triệu đồng.

Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập ở Cần Thơ ảnh 2Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Các nông hộ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa phải có cam kết sản xuất nông sản sạch, tuân thủ quy định của VietGAP và GlobalGAP. Việc cam kết này nhằm hướng tới một hành động đa đích đến, đa thu nhập. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp vừa phục vụ cho khách du lịch tại chỗ, vừa đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong và ngoài nước.

Hội Nông dân còn phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ vào chế biến nông sản thành những sản phẩm phục vụ cho chuỗi các hoạt động du lịch như quà lưu niệm.Các sản phẩm tinh chế này còn được hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm OCOP, gắn liền với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Hiện Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ ba đến bốn sao, trong đó một số sản phẩm có tiềm năng nâng cấp lên được năm sao. Phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với sản phẩm OCOP vừa góp phần gia tăng lợi nhuận cho nông hộ, vừa quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương đến du khách nội địa cũng như quốc tế.

Là một trong những nông dân tiêu biểu được vinh danh tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, ông Lý Văn Bon ở Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) thành công với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả, ông Bon cho biết: Để thành công, người nông dân cần tận dụng tốt các hỗ trợ từ địa phương nhưng cũng phải không ngừng tự học hỏi và đầu tư về ý tưởng cũng như công nghệ mới.

Tại bè cá Bảy Bon với diện tích khoảng 10.000 m3 mặt nước, ông Lý Văn Bon nuôi nhiều loại cá phục vụ cho du khách tham quan; trong đó, có nhiều loài cá quý hiếm, độc lạ như cá Koi, cá bảo ngọc, cá bắn nước, cá trà sóc..., tạo sự thích thú cho du khách. Với dòng cá thát lát cườm, ông Lý Văn Bon còn mạnh dạn đầu tư nhà xưởng để chế biến các sản phẩm chả cá rút xương, cá thát lát muối sả... bán cho du khách, là một nguồn thu nhập tốt và ổn định. Trung bình mỗi năm, ông bán ra thị trường khoảng 300 tấn chả cá thác lác.

Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập ở Cần Thơ ảnh 3Ông Lý Văn Bon (chủ bè cá Bảy Bon ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) chia sẻ kinh nghiệm thành công với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Khi có nguồn thu nhập, ông lại sử dụng làm vốn đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ để giảm các công đoạn thủ công, gia tăng tốc độ và năng suất, từ đó tăng thu nhập. Hiện tại bè cá của ông, chất lượng nguồn nước nuôi cá được kiểm soát bằng cảm biến tự động, các sản phẩm chả cá bán ra đều có mã vạch dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa…

Nhờ kết hợp thành công mô hình du lịch nông nghiệp, mỗi năm, ông Lý Văn Bon có nguồn lợi nhuận ổn định khoảng 9-10 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương.

Tại Hội thảo, những nông hộ có dự định chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang du lịch nông nghiệp mong muốn được hướng dẫn quy trình chuyển đổi chi tiết hơn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Ngoài tham gia các buổi tập huấn và tham quan mô hình, các nông hộ cần được hướng dẫn về thủ tục hành chính, chi tiết các chính sách hỗ trợ hiện tại của địa phương và Trung ương đối với lĩnh vực du lịch nông nghiệp…

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm