Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định du lịch là một trong những ngành có lợi thế của toàn vùng. Theo đó, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu.
Bài cuối - Xây dựng, khẳng định thương hiệu
Hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, với nhu cầu và xu hướng du khách tìm đến các vùng nông thôn để trải nghiệm ngày càng tăng, cùng với dư địa rất nhiều, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh, sản phẩm độc đáo hơn là hướng đi để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sớm trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển.
Phát triển tuyến sản phẩm
Chương trình Phát triển Du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã dược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định những ngành nghề có lợi thế của vùng. Đối với du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn, sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.
Những định hướng này đang tạo nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch ở đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng tiềm năng, sản phẩm du lịch cùng sự kết nối đang được coi là một trong những khâu cần có bứt phá, có những tuyến sản phẩm đặc thù, không trùng lặp để khẳng định thương hiệu du lịch vùng.
Hai Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan và Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long còn phát triển rời rạc, manh mún và chưa bổ khuyết cho nhau. Một số sản phẩm mới chỉ đáp ứng các nhu cầu đơn giản như tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống trong ngày của du khách, chưa “níu chân” du khách lưu trú lâu hơn. Để phát huy lợi thế, cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đồng bộ giữa các địa phương, giúp hoạt động kết nối được thuận tiện, thông suốt. Cùng với đó, các địa phương chung tay xây dựng thương hiệu và các sản phẩm du lịch đặc sắc có dấu ấn của vùng cũng như đặc thù từng địa phương. Các địa phương tận dụng thế mạnh vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước và đặc trưng văn hóa bản địa hình thành nhiều tour, tuyến, điểm du lịch nông nghiệp liên tỉnh đặc sắc hơn.
Coi trọng giải pháp xây dựng tuyến sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cần tập trung vào chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi trội, gắn với trải nghiệm trong các khâu canh tác, nuôi trồng, chế biến cũng như trong tiêu thụ, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, cá, tôm, trái cây. Cùng với đó, thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ hỗ trợ cần chú ý lồng ghép nhiều hơn các giá trị văn hóa bản địa như văn hóa trồng lúa, phong tục, đời sống, nghệ thuật đờn ca tài tử… đưa vào phục vụ du khách. Các địa phương cũng cần khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo phát triển đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh liên kết, phát huy vai trò của địa phương liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long là Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường nguồn, đưa khách đến đồng bằng thông qua các chương trình, tour du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa…
Kể những câu chuyện với du khách
Đối với loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, người dân là đối tượng tham gia trực tiếp, quan trọng vào các hoạt động du lịch, trải nghiệm. Đây cũng là đội ngũ lao động sẽ gắn bó lâu dài với du khách. Do vậy, nhiều chuyên gia, nhà quản lý gợi mở, các địa phương cần khuyến khích người dân phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức các lớp tập huấn giúp người nông dân có các kiến thức, kỹ năng về làm du lịch, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đối tượng du khách khác nhau, tổ chức tốt quá trình tiếp đón, phục vụ, tạo ấn tượng đẹp đến du khách.
Đề cao giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với vai trò người nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thẳng thắn cho rằng: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, định vị hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, nông thôn giàu bản sắc văn hóa, người dân nông thôn đôn hậu, hiền hòa, mến khách. Song, du lịch nông thôn, nông nghiệp không phải chỉ dừng lại đơn giản ở việc xây dựng vài cái chòi, trang trí một vài bông hoa, kê mấy cái bàn là xong mà cần “thổi hồn” vào từng sản phẩm, để du khách cảm nhận chiều sâu văn hóa, niềm tự hào về quê hương của những người dân làm du lịch.
Một trong những giải pháp là mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc để không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu đến du khách, mà còn tạo động lực khơi dậy sự đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng trong làm du lịch. Người nông dân, thông qua những chuyên gia, được tư vấn biết cách sắp xếp lại sản phẩm mình đang có cho hoàn hảo hơn và biết tiếp thu những điều mới mẻ để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch.
Chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt Phan Đình Huê cho rằng: Với du lịch nông nghiệp nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, khách dành nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động hơn là thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các tour tham quan phong cảnh. Vì vậy, các sản phẩm lữ hành phải được tổ chức khác biệt, chuyển trọng tâm từ hướng dẫn viên trên tuyến thành nhà nông kiêm hướng dẫn viên tại điểm đến. Các hoạt động trải nghiệm cần đa dạng hơn từ chèo xuồng đi đánh bắt cá, đi hái rau, xem đồng lúa, vuông tôm, sân chim, trồng, tỉa, thu hoạch lúa, trái cây, rau màu cho đến chơi các trò chơi dân gian trên cạn, dưới nước, thậm chí trong đầm lầy hay tham gia các cuộc thi của cư dân vùng nông nghiệp như đua bò, đua trâu, bắt vịt…
Cũng theo chuyên gia Phan Đình Huê, đối với sản phẩm ẩm thực, quà tặng, du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long thường mong muốn thưởng thức những món tươi, ngon, bổ mà họ khó tìm được ở nơi cứ trú hay trong các thành phố lớn. Vì vậy, cung cấp các sản phẩm được chế biến từ nguồn rau quả sạch, cá, tôm nuôi theo phương pháp quảng canh là giải pháp hoàn hảo. Du khách rất hài lòng khi tham gia hái rau, chế biến món ăn và làm các loại bánh truyền thống. Các sản phẩm quà tặng, đặc sản du khách mang về từ đồng bằng gồm đồ lưu niệm, trái cây, hải sản tươi - khô và chế biến. Do đó, cần lưu ý các loại hàng hóa này phải đạt một số điều kiện như kích thước gọn, nhẹ, bao bì đẹp, chất lượng và thương hiệu rõ ràng, thậm chí dán nhãn chứng nhận quy trình nuôi - trồng - sản xuất, tạo sự tin tưởng và tiện lợi cho du khách.
Cùng đề cập giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Phạm Văn Luân (Trường Cao đẳng Bến Tre) đề xuất, tại mỗi điểm đến nên thiết kế các loại hình trải nghiệm thích hợp, nhất là các câu chuyện về văn hóa trên cơ sở hiểu và đáp ứng nhu cầu, sở thích của du khách. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, tài nguyên du lịch nông nghiệp rất phong phú, đa dạng nhưng sản phẩm vẫn nghèo nàn là bởi tính trải nghiệm, việc khai thác các giá trị phi vật thể của sản phẩm nông nghiệp không có, hoặc có mà chưa đi vào chiều sâu nên chưa đáp ứng được mong muốn của du khách. Với du lịch nông nghiệp, nông thôn, nguồn nhân lực là những người dân tại điểm đến rất quan trọng, bởi họ chính là những người trực tiếp tạo ra những trải nghiệm trong sản phẩm du lịch nông nghiệp cho du khách, là “đầu dây dẫn” của những câu chuyện văn hóa của nông sản, tri thức bản địa cộng đồng, lối sống hàng ngày, là đối tượng chính mà du khách mong muốn tìm đến để được nghe những câu chuyện, lời giới thiệu chân thực, sinh động liên quan đến hoạt động sản xuất, phong tục tập quán, nét văn hóa của vùng đất mà người nông dân đã gắn bó.
Thanh Trà - Thu Hiền