Phát triển mạnh diện tích sản xuất lúa đặc sản tại Sóc Trăng

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong năm 2024, Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Tỉnh nâng cao giá trị và chất lượng các mặt hàng nông sản để tăng cao giá trị, đem lại thu nhập cao cho nhà nông và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Sóc Trăng phấn đấu nâng cao tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao lên chiếm 93,37% tổng sản lượng lúa; trong đó, tỷ lệ lúa đặc sản, lúa thơm chiếm trên 55,44% tổng sản lượng lúa. Tổng sản lượng thuỷ, hải sản đạt 380.000 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 240 triệu đồng/ha (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2023).

vna_potal_nong_dan_soc_trang_thu_hoach_lua_he_thu_phan_khoi__6871273 (1).jpg
Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu trên cánh đồng của huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Theo đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng sẽ tập trung triển khai tốt dự án phát triển lúa đặc sản; dự án phát triển cây ăn trái đặc sản; đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giống lúa và nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp cơ cấu mùa vụ của từng địa phương để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện Sóc Trăng đã có nhóm giống lúa đặc sản ST; trong đó, ST25 đã 2 lần được công nhận là lúa có gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 và 2023, giống lúa ST24 và giống lúa Tài Nguyên có giá trị cao đang được trồng rộng rãi ở các địa phương trong tỉnh.

Tỉnh cũng đã xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo mô hình cánh đồng lớn, hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản. Tới đây thực hiện đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt Sóc Trăng dự kiến quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao khoảng 72.000 ha với những giống lúa chủ lực chất lượng tỉnh đang có và phát triển rộng lên.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Sóc Trăng cũng đã bố trí cơ cấu lại mùa vụ sản xuất, lịch thời vụ xuống giống phù hợp với đặc điểm và lợi thế của từng vùng, giảm canh tác lúa vụ 3 ở những vùng có điều kiện khó khăn; khuyến khích phát triển sản xuất 2 vụ lúa trên năm; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị canh tác.

Ngành chức năng khuyến khích đến nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, GlobalGAP,... trên cây trồng; tăng cường quản lý, cấp chứng nhận mã số vùng trồng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản; thực hiện các giải pháp đồng bộ quản lý vật tư đầu vào, đồng thời theo dõi, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng hướng tới từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại gắn với chuỗi sản xuất. Tỉnh tiếp tục triển khai tốt dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; quan tâm đầu tư cho giống chăn nuôi, nhất là giống bò và gia cầm năng suất cao. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi thú y cũng có kế hoạch tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh trong chăn nuôi; tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch tiêm phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật; tổ chức nhân rộng các mô hình nuôi có khả năng thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thủy sản nước lợ cũng là thế mạnh của Sóc Trăng. Hiện tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tốt đề án nuôi tôm nước lợ, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ đi đôi với năng lực chế biến thủy sản phát triển ngành tôm của tỉnh, phát triển theo hướng bền vững, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong nuôi trồng thủy sản, Sóc Trăng đã nhân rộng các mô hình nuôi tôm mới, các giải pháp, công nghệ nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu; nuôi tôm theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP... theo chuẩn thị trường các nước nhập khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị để hạ giá thành, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Tỉnh cũng đã chú trọng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường quan trắc để kịp thời đưa ra các cảnh báo cho người nuôi tôm; cơ cấu lại tàu thuyền khai thác biển, đẩy mạnh khai thác đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh; khai thác tốt dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ tàu khai thác biển tại Cảng cá Trần Đề.

Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đề ra kế hoạch phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7% - 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 65,7 triệu đồng/người/năm (năm 2023 là 60 triệu đồng/người). Cơ cấu GRDP lĩnh vực nông lâm thủy sản chiếm 40% GRDP của tỉnh.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm