Một góc bình yên của bản làng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn mùa mưa. Ảnh: vntrip.vn |
“Homestay” níu chân du khách
Chị Nguyễn Thu Trang, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Hầu như năm nào, vào dịp đầu Xuân năm mới, chị đều cùng gia đình đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn và thường lựa chọn loại hình “homestay”. Tham quan, du lịch ở đây, các con chị đã có nhiều trải nghiệm như cùng ăn, ở với người dân bản địa, tìm hiểu về văn hóa, tham gia hoạt động cộng đồng.
Chị Hồ Thị Nhung, Việt kiều Đức cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, chị cùng gia đình chọn loại hình du lịch homestay tại xã Xuân Sơn để du Xuân trong những ngày đầu năm mới. Chị Nhung chia sẻ, ở nước ngoài, chị chưa bao giờ được thưởng thức món ăn lạ như cá suối, rau rớn, măng rừng, cơm lam, gà cựa... Trải nghiệm du lịch ở đây, gia đình chị được tận hưởng không khí trong lành, tham gia lao động sản xuất cùng người dân…
Chị Lê Thị Thu Nga, chủ homestay Quỳnh Nga, tại bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn cho biết, đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ cuộc sống của đồng bào Mường, Dao và thưởng thức các món ăn đặc sản cùng nhiều dịch vụ kèm theo. Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động như, giao lưu văn nghệ lửa trại với các tiết mục đặc sắc của đồng bào Mường, Dao…
Những năm gần đây, homestay Quỳnh Nga đã đón hàng trăm lượt khách, trong đó có khách nước ngoài đến tham quan. Để tạo sự gần gũi với thiên nhiên, homestay Quỳnh Nga được thiết kế theo kiểu nhà sàn của dân tộc Mường ở Tân Sơn, với các chất liệu như gỗ, tranh, tre, nứa lá tạo sự thoáng mát, cùng khuôn viên rộng rãi và vườn hoa đẹp mắt. Homestay Quỳnh Nga có thể phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách du lịch tới tham quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Là xã nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mô hình du lịch cộng đồng homestay tại xã đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Hiện trên địa bàn xã Xuân Sơn có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh homestay, với khả năng phục vụ 300 khách/đêm.
Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách du lịch. Du lịch cộng đồng ở xã Xuân Sơn đang mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, đặc biệt giúp đồng bào Dao, Mường sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia bảo tồn nét văn hóa truyền thống qua các hoạt động trải nghiệm.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích rộng hơn 15.000 ha, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa. Do quá trình phong hóa, thủy hóa tạo thành, Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng.
Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ. Bên cạnh Vườn Quốc gia Xuân Sơn, du khách khi đến Tân Sơn còn có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, thưởng thức đặc sản như: Lợn lửng, gà chín cựa, thịt chua, lúa nếp thơm vùng lòng chảo Xuân Đài, Kim Thượng, khoai tầng, chuối phấn vàng...
Ở đây có giống gà chín cựa, tưởng như chỉ tồn tại trong những vật mà Vua Hùng Vương thách cưới. . Ảnh: tiin.vn |
Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Sơn, với lợi thế và tiềm năng, đơn vị có thể khai thác tốt nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, các loài động thực vật; du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu; du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương xây dựng nhiều hạng mục như: Cải tạo đường giao thông, điểm dừng đỗ xe, điểm dừng chân, biểu tượng cổng chào làng du lịch cộng đồng.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn, hệ thống biển tên, biển chỉ dẫn phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng và xây dựng nhà văn hóa cộng đồng người Dao, Mường gắn với trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng, tổ chức sự kiện. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ cải tạo nâng cấp nhà ở người Dao, Mường phù hợp bản sắc truyền thống; hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật, tư vấn nghiệp vụ cho những hộ kinh doanh hoạt động du lịch homestay đảm bảo đạt chuẩn...
Tỉnh sẽ xây dựng thêm sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch trải nghiệm và giáo dục môi trường sinh thái với các hoạt động cắm trại, hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia sản xuất nông nghiệp... Phú Thọ nghiên cứu xây dựng khu vườn sưu tầm và lưu giữ các nguồn gen thực vật quý, giống hoa lan bản địa, lựa chọn nhân trồng đại trà một số loài cây ra hoa theo mùa tạo cảnh quan đẹp quanh năm; xây dựng mô hình hoa cây cảnh thể hiện biểu trưng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn phục vụ khách tham quan chụp ảnh lưu niệm...
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngoài xã Xuân Sơn, Sở sẽ phát triển thêm mô hình du lịch cộng đồng tại hai xã vệ tinh là Kim Thượng và Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Theo đó, địa phương sẽ được hỗ trợ kinh phí và trang bị kỹ năng, kiến thức về du lịch phục vụ khách.
Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2020, tại đây đón và phục vụ 50.000 lượt khách tham quan, 25.000 lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế là 4.000 lượt, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Đến năm 2020 Vườn Quốc gia Xuân Sơn được công nhận điểm du lịch quốc gia. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, hình thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật dịch vụ với sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ khách chuyên nghiệp, tạo sức hút đối với du khách.
Lâm Đào An
TTXVN