Xây dựng sản phẩm an toàn Gia đình ông Phạm Đình Huynh ở bản Cánh Kiến, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã có 3 ha trồng nhãn. Vườn nhãn này được gia đình ông trồng từ những năm 1980, tuy nhiên do là giống cũ nên 1ha chỉ cho thu hoạch được 5-6 tấn quả/năm. Từ năm 2015, gia đình ông đã chuyển sang ghép giống nhãn mới. Khi chuyển sang nhãn ghép đã cho thu nhập cao hơn và cần ít nhân công thu hái khi đến vụ thu hoạch. Ông Phạm Đình Huynh cho biết, trung bình 1ha nhãn ghép có thể cho sản lượng lên đến 20 tấn/năm. Không những thế, trồng nhãn ghép đúng quy trình kỹ thuật thì nhàn hơn và có thể điều phối thời gian ra quả hàng năm. Trồng nhãn đã mang lại hiệu quả, năng suất cao hơn nhiều lần so với những loại cây khác như ngô, lúa.
Nhãn ghép ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Cùng với việc chuyển đổi sang cây nhãn ghép, gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác trong bản đã tham gia vào hợp tác xã để thuận lợi hơn trong việc trồng và bán nhãn. Khi tham gia vào hợp tác xã đã giúp người trồng nhãn tạo dựng được thương hiệu và xuất xứ rõ ràng cho sản phẩm quả nhãn. Việc chuyển đổi từ sản xuất cá nhân, nhỏ lẻ sang mô hình hợp tác xã còn có một ý nghĩa khác quan trọng hơn. Đó là khi tham gia vào hợp tác xã, các hộ dân sẽ được triển khai quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ đó, sẽ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, nông sản sản sạch. Ông Lò Văn Tưởng, Giám đốc Hợp tác xã Phúc Vinh, xã Nà Nghịu cho biết, trước đây khi chưa thành lập hợp tác xã thì quy mô nhỏ lẻ, không hỗ trợ được lẫn nhau. Sau khi thành lập được hợp tác xã thì các thành viên có thể hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật chăm sóc, thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, những năm trước đây người dân còn phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bệnh. Nhưng từ khi thành lập hợp tác xã, bà con đã được tập huấn, không phun thuốc nữa mà chỉ phát và giẫy cỏ. Ngoài ra, nếu phun thuốc thì chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, đã được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hợp tác xã đã sản xuất theo quy trình VietGap và có sản phẩm sạch để đưa ra thị trường tiêu thụ. Bình quân, mỗi hộ thành viên thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, sản xuất sản phẩm nhãn theo hướng sạch, an toàn đang là mục tiêu hàng đầu mà huyện Sông Mã hướng tới. Để thực hiện điều này, huyện Sông Mã đang triển khai áp dụng quy trình VietGap tại 8 hợp tác xã với gần 170ha nhãn.
Thu hoạch nhãn ghép tại xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Ông Trần Đức Kế, Trạm trưởng Trạm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản huyện Sông Mã cho biết, khi triển khai việc trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap, cơ quan chức năng đã mở lớp tập huấn cho các hợp tác xã, hướng dẫn họ về quy trình sản xuất trên đồng ruộng, cách ghi chép nhật ký chăm sóc trên sổ sách. Khi các hợp tác xã đạt yêu cầu thì cán bộ của đơn vị sẽ kiểm tra thường xuyên như đi thăm đồng, đánh giá lịch phun thuốc bảo vệ thực vật, lịch bón phân. Đồng thời, kiểm tra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đó có nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không; thuốc có đúng đối tượng cây trồng không. Khâu cuối cùng sẽ kiểm tra chất lượng để cảnh báo dư lượng chất cấm trong quả nhãn thông qua bộ công cụ kiểm tra nhanh và gửi mẫu về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phân tích. Phát triển theo hướng xuất khẩu Hiện nay, huyện Sông Mã có hơn 6.100ha nhãn, sản lượng trung bình hàng năm là gần 40.000 tấn. Với lượng nhãn nhiều như vậy thì việc tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm này đang được chính quyền địa phương hết sức chú trọng. Ngoài tiêu thụ nhãn thông qua các thương lái và thị trường trong nước thì thị trường xuất khẩu là hướng đi lâu dài mà địa phương này đang hướng tới. Tuy nhiên, việc hình thành vùng nhãn để đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu tại Sông Mã cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên phải kể đến thói quen từ trước đến nay đều tiêu thụ nhỏ lẻ, nên thông tin về thị trường và sản phẩm nhãn Sông Mã trước đây chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do đó, nhãn Sông Mã thường được thương lái thu mua ra khỏi địa bàn rồi lấy thương hiệu vùng miền khác để bán. Ngoài ra, công nghệ bảo quản sản phẩm quả nhãn tươi để xuất khẩu hiện nay vẫn chưa có; vấn đề giao thông cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu nhãn bởi Sông Mã là địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Phân loại và đóng gói nhãn ghép tại Hợp tác xã Phúc Vinh, xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Cùng với đó, đến nay hầu hết các hợp tác xã và đối tác chưa thống nhất được về giá cả, số lượng, cách thức đóng gói, phương thức vận chuyển, tổ chức thực hiện việc mua bán nhãn. Trước những khó khăn này huyện Sông Mã đang triển khai nhiều giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến những quốc gia tiềm năng trong xuất khẩu nhãn như Trung Quốc, Australia… Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho biết, huyện đang tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch của tỉnh Sơn La về việc tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Theo đó, tiến hành quản lý chặt chẽ nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp; giám sát 3 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng nhãn phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn tương đương để đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nhân dân; triển khai hỗ trợ, tập huấn hướng dẫn cho các hợp tác xã và nhân dân kỹ thuật sơ chế và đóng gói, bảo quản nông sản. Ngoài ra, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh Sơn La tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các cuộc xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhãn đến các công ty, tập đoàn trong nước. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nhãn trong năm 2018; triển khai tuyên truyền sản phẩm nhãn của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
Hữu Quyết